Các khu vườn của hoàng gia nhà Nguyễn bên trong Hoàng Thành Huế

Vườn Ngự Uyển

Vườn Ngự uyển bên trong Đại Nội Huế ngày này là điểm tham quan không thể thiếu khi mua vé vào Đại Nội Huế. Tại Kinh đô Huế đã từng có hơn 30 khu vườn Ngự với những phong cách riêng rất đặc sắc. Riêng trong Hoàng Thành và Tử Cấm Thành đã có đến 5 khu vườn Ngự (vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh), với tổng diện tích gần 90.000m, tức chiếm đến 1/4 diện tích của Hoàng cung. Cùng Cố đô Huế tìm hiểu các khu vườn Ngự này trong bài viết dưới đây.

Vườn Ngự Uyển
Các vườn Ngự Uyển bên trong Đại Nội Huế

Giới thiệu các Vườn Ngự của triều Nguyễn

Huế nổi tiếng là thành phố của nhà vườn, tại Kinh đô Huế đã từng có hơn 30 khu vườn Ngự với những phong cách riêng rất đặc sắc, riêng trong Hoàng Thành và Tử Cấm Thành đã có đến 5 khu vườn Ngự (vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh), với tổng diện tích gần 90.000m, tức chiếm đến 1/4 diện tích của Hoàng cung.

Các vua nhà Nguyễn phần lớn đều giỏi thi ca, nhạc họa và rất yêu thích cảnh đẹp thiên nhiên, chính vì vậy mà khi xây dựng Kinh đô ở Huế, các vị vua đã tận dụng địa hình, địa thế, phong cảnh lý tưởng của vùng đất Cố đô để xây dựng các công trình kiến trúc kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, nổi bật là hệ thống vườn Ngự.

1. Vườn Ngự uyển Thiệu Phương

Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của triều Nguyễn. Vườn được xây dựng vào năm 1828, dưới thời vua Minh Mạng và nằm ở phía Đông bên trong Tử Cấm Thành. Vườn Thiệu Phương rộng khoảng 8.000m, xung quanh vườn có xây tường gạch bao bọc. Vườn nổi tiếng với kiểu kiến trúc “Vạn Tự Hồi Lang”, tức là có hồi lang hình chữ “Vạn” nằm ở giữa vườn dẫn ra 4 phía và ở tại 4 góc của hồi lang này có xây 4 công trình. Nhà ở góc Tây Nam gọi là Di Nhiên Đường (mặt quay về hướng Nam). Hiên ở góc Đông Nam gọi là Vĩnh Phương Hiên (mặt quay về hướng Đông). Nhà ở góc Đông Bắc mang tên Cẩm Xuân Đường (mặt quay về hướng Bắc). Hiên ở góc Tây Bắc có tên là Hàm Xuân Hiên (mặt quay về hướng Tây). Trong vườn, ở phía Tây của “Vạn Tự Hồi Lang” có lạch nước chảy vắt ngang mang tên “Ngự Câu” thông ra hệ Ngọc Dịch ở phía Bắc bằng đường cống. Trên bờ phía Đông của lạch có đắp mộ hòn núi nhỏ, tên gọi là Trích Thuý Sơn.

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), vườn Thiệu Phương được sửa sang và xây dựng thêm. Ở phía Tây lạch nước Ngự Câu là điện Hoàng Phúc, phía Nam của điện là ngôi đình hình bát giác có tên Nhàn Thanh Bát Biểu; phía Bắc điện có ngôi đình hình vuông tên gọi Minh Đạt Tứ Thông và gần hồ Ngọc Dịch xây một nhà thuỷ tạ có tên Lương Đình Điếu Ngư, đến năm 1843 ngôi nhà này được làm lại và đổi tên thành Trừng Quang Tạ. Căn cứ vào các tư liệu của triều Nguyễn, vườn Thiệu Phương là nơi tập hợp nhiều loại hoa thơm cỏ lạ, cây ăn quả của các vùng miền đưa về, và là nơi ghi dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa trong việc xây dựng tạo cảnh nghệ kiến trúc nghệ thuật.

Vườn Thiệu Phương đã được vua Thiệu Trị xếp làm thắng cảnh thứ 2 của đất Thần kinh, gắn liền với bài thơ “Vĩnh Thiệu Phương Văn” (truyền mãi hương thơm) nổi tiếng.

Qua các biến cố thăng trầm của lịch sử. khu vườn dần bị bỏ hoang, thu hẹp.  Đến thời vua Khải Định, các công trình chính của vườn đã bị huỷ hoại hoàn toàn và nằm trong tình trạng hoang phế. Bên cạnh đó, các công trình mới xuất hiện cũng làm thay đổi hầu hết kiến trúc xung quanh khu vực của di tích này. Năm 2002, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành khai quật khảo cổ học, với dự án “Bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn Thiệu Phương”, đây là bước đầu khởi động cho việc đánh thức vườn Thiệu Phương sau một thời gian dài hoang phế. Hiện nay diện mạo vườn Thiệu Phương đã được phục hồi.

Trong khuôn khổ các hoạt động Festival Huế 2018, vườn Thiệu Phương là nơi tổ chức “Triển lãm cây cảnh và phong lan ba miền”, tại đây du khách cơ hội được chiêm ngưỡng những loại cây cảnh quý, được thả mình vào không gian muôn sắc hoa và cây lá, nơi mà xưa kia chỉ dành cho hoàng gia thưởng ngoạn.

Vườn Ngự Uyển
Vườn Thiệu Phương

2. Vườn Ngự Uyển Cơ Hạ

Vườn Cơ Hạ được xem là một kiệt tác của vườn cung đình, tên chữ Cơ Hạ được lấy từ chữ “Vạn Cơ thanh hạ” (sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự). Vườn nằm ở phía Đông Bắc của Hoàng thành, trước giáp với Phủ Nội Vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt Đông, Tây giáp tường của Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Đầu thời vua Gia Long đây là nơi học tập của Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng), năm 1837 vườn được vua Minh Mạng cho nâng cấp và mở rộng khuôn viên, có tên gọi là Cơ Hạ Đường. Dưới thời hai vị vua Thiệu Trị (1841 – 1847), Tự Đức (1848 – 1883) vườn được trùng tu nâng cấp và bổ sung thêm một số công trình. Vườn Cơ Hạ là một quần thể gồm có sông hồ, núi động, lầu tạ, cung điện liên hoàn kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Trong các thắng cảnh thuộc vườn Cơ Hạ, có ba thắng cảnh được đề vịnh trong thơ của vua Thiệu Trị, như: sông Tái Vũ, hồ Minh Giám và động Phước Duyên.

Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, cũng như về cuối triều Nguyễn do không có điều kiện chăm sóc, từ đó vườn Cơ Hạ rơi vào tình trạng hoang phế và trôi vào quên lãng. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được đầu tư sửa sang, đặc biệt là đã sưu tầm hàng trăm chậu cây kiểng tuyệt đẹp sắp đặt trong khuôn viên vườn Cơ Hạ, tạo sinh khí cho khu vườn.

Trong khuôn khổ các hoạt động Festival Huế 2018, vườn Cơ Hạ là nơi tổ chức “Triển lãm cây kiểng và phong lan ba miền”, đây là dịp để giới thiệu đến công chúng sự hiện diện Cơ Hà Viên trong lịch sử.

Vườn Ngự Uyển
Vườn Cơ Hạ

3. Vườn Ngự Uyển Ngự Viên

Ngự Viên nằm ở phía Đông Bắc, trong khu vực của Tử Cấm Thành. Vườn được xây dựng vào đầu thời vua Minh Mạng (1820). Các công trình kiến trúc trong khu vườn được kiến tạo rất cầu kỳ như: điện Thiên Thân, đình Vọng Hà, hồ Ngọc Dịch, núi Tú Nhuận, tiểu Ngự Hà… Ngự Viên được xem như là một vườn hoa trong cung cấm, nơi các vị vua Nguyễn thường đến dạo chơi, thư giãn, làm thơ… Ngự Viên được vua Thiệu Trị xếp làm thắng ảnh thứ năm của vùng đất Cố đô và đã được ca ngợi trong bài thơ “Ngự Viên đắc nguyệt”. Tuy nhiên, từ thời vua Thành Thái (1889 – 1907) trở về sau, kiến trúc của Ngự viên đã có nhiều thay đổi, phần lớn công trình bị triệt giải, cảnh quan không được chú trọng. Vào năm 1932, dưới thời vua Bảo Đại, tòa nhà Ngự Tiền Văn Phòng hai tầng được xây dựng tại nơi đây, và trở thành cơ quan thay cho Nội Các của thời vua Minh Mạng

Thông tin du lịch các vườn Ngự Uyển trong Đại Nội Huế

Thông thường trong tuyến tham quan các điểm di tích bên trong Đại Nội Huế, các bạn hướng dẫn viên ít dẫn đoàn vào tham quan các vườn Ngự. Do đó, nếu muốn tham quan vườn Ngự hãy đề xuất ý kiến với bạn hướng dẫn viên.

Với các đoàn tự do, việc tham quan các vườn Ngự rất dễ dàng

>>> Xem thêm: Các công trình bên trong Đại Nội Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *