Cửa Chương Đức là một trong bốn cổng của Hoàng Thành, nằm ở phía Tây của Hoàng Thành, ngoài chức năng là cổng dành cho các bà trong cung ra vào, cùng với Tây Khuyết Đài, cổng Chương Đức còn góp phần phòng thủ, bảo vệ triều đình và hoàng gia; đồng thời tạo sự ngăn cách đời sống sinh hoạt trong cung với xã hội bên ngoài.
Tên gọi và lịch sử xây dựng cửa Chương Đức
Quan niệm “tả nam hữu nữ, nam nhân nữ đức” là nguyên tắc quan trọng trong các công trình kiến trúc của triều Nguyễn. Tên Chương Đức ngụ ý nói đến “tứ đức” của người phụ nữ xưa.
Cửa được xây dựng năm 1804, làm theo kiểu tam quan, nhưng thời bấy giờ cách thức đơn giản và chưa có vọng lâu. Qua nhiều lần cải tạo, vào thời vua Khải Định năm 1921, cửa được sửa chữa và có sự tiếp thu về kỹ thuật cũng như vật liệu xây dựng; đặc biệt là hình thức trang trí đắp nổi sành sứ, thủy tinh. Nghệ thuật ghép sành sứ ở cửa Chương Đức đã đạt đến một trình độ cao, thực sự là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển kỹ thuật ghép sành sứ dưới triều Nguyễn nói chung và dưới thời vua Khải Định nói riêng.
Kiến trúc cửa Chương Đức
Cửa Chương Đức thiết kế 3 tầng, trên các trụ thân cửa chia thành nhiều ô hộc, mỗi ô hộc trang trí với nhiều chủ đề khác nhau. Hệ thống mái lợp Hoàng lưu ly, đầu ngói tròn nổi nhô lên trên khắc nổi chữ “Thọ” trong khung tròn, đầu ngói chìm bên dưới khắc nổi đầu con dơi, mô-típ trang trí này rất phổ biến ở các di tích của triều Nguyễn với ý nghĩa “Phúc Thọ Khang Ninh”
Do ảnh hưởng bom đạn của chiến tranh, của Chương Đức đã bị hư hỏng nặng. Từ năm 2003-2004 cửa đã được trùng tu lại nguyên mẫu như cửa dưới thời vua Khải Định như chúng ta thấy hiện nay.
Thông tin du lịch cửa Chương Đức
Hiện tại, cửa Chương Đức là một trong hai lối ra của du khách khi vào tham quan Đại Nội Huế. Lối vào chính là Ngọ Môn, lối ra là cửa Hiển Nhơn và cửa Chương Đức.
Tuy nhiên, phần lớn du khách khi tham quan Đại Nội xong đều chọn lối ra chính là cửa Hiển Nhơn (Đường Đoàn Thị Điểm). Lý do chính có thể là do tuyến tham qua của các đoàn bên trong Đại Nội thường kết thúc ở vị trí cửa này.
Trên đây là bài viết về thông tin một trong 4 cửa chính ra vào Đại Nội Huế (Hoàng Thành Huế). Các bạn có thể tìm hiểu thông tin thêm các địa danh lịch sử nổi tiếng của Huế tại đây