Cung Trường Sanh – Nơi ăn ở của Thái hoàng thái hậu

Cung Trường Sanh

Cung Trường Sanh là một quần thể kiến trúc cung điện khép kín với tổng diện tích là 11.400m, nằm ở phía Tây Bắc bên trong Hoàng Thành, phía Bắc giáp với hồ Nội Kim Thủy, phía Nam là cung Diên Thọ, phía Đông là Trực Phương Viên (thuộc khu vực Tử Cấm Thành)

Cung Trường Sanh
Cung Trường Sanh

Ban đầu cung Trường Sanh có tên là vườn Trường Ninh, xây dựng năm Minh Mạng thứ 2 (1821), mang dáng dấp của một hoa viên dùng làm nơi dạo chơi, tiêu khiển của nhà vua. Kiến trúc bao gồm 1 điện chính ở giữa, 1 điện phía trước và 1 lầu ở phía sau, cùng một số công trình phụ khác xung quanh. Đến năm 1846, dưới thời vua Thiệu Trị, cung được trùng tu lớn về quy mô và kiểu dáng kiến trúc. Chính giữa là các công trình nối với nhau theo hình chữ “Vương”. Ngôi điện đầu tiên có tên là Ngũ Đại Đồng Đường (năm thế hệ chung một nhà). Ở giữa là điện Thọ Khang phía sau có lầu Vạn Phúc, tất cả nối nhau bằng một hành lang dài.

Phía trước Ngũ Đại Đồng Đường có cửa Phường Môn, phía sau lầu Vạn Phúc có xếp mấy ngọn đá giả sơn mang tên Bảo Sơn, Kình Ngư, Hổ Tôn… Khu vực này có một con lạch chạy vòng quanh gọi tên là Đào Nguyên, bên trái và bên phải đều bắc cầu sơn đỏ để đi qua lạch. Cửa chính của cung quay về hướng Đông được xây theo lối tam quan, trang trí đề tài hoa lá và ngũ sắc, phía sau là cửa Thụy Môn, bên trái có cửa Thanh Minh, bên phải có cửa Hữu Hòa.

Cung Trường Sanh
Cung Trường Sanh

Bắt đầu từ thời vua Đồng Khánh, vườn Trường Ninh trở thành nơi ăn ở của Thái hoàng thái hậu (bà nội vua) và một số bà Hoàng hậu sau khi vua băng hà, tức Trường Ninh trở thành Tây cung thứ hai sau cung Trường Thọ (sau là cung Diên Thọ). Theo sử sách, các bà Lệ Thiên (vợ vua Tự Đức), Từ Minh (vợ vua Dục Đức) và Tiên Cung (vợ vua Đồng Khánh) đã từng sống ở cung này.

Đến thời vua Khải Định, năm 1923, để chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần đại khánh” (sinh nhật 40 tuổi) của nhà vua, vườn Trường Ninh được đại trùng tu và đổi tên thành cung Trường Sanh, nhưng chức năng của công trình vẫn không thay đổi.

Trong chiến tranh, cung Trường Sanh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2005 – 2007, cung Trường Sanh đã được trùng tu tôn tạo để trở lại với vẻ đẹp ban đầu của nó.

>>> Xem thêm: Các công trình bên trong Đại Nội Huế

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *