Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong Hoàng Thành, là nơi đặt ngai vàng, một biểu tượng quyền lực của triều đại và là nơi cử hành các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình và hoàng gia. Điện Thái Hòa được khởi công xây dựng vào tháng 02 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm.
Bên trong điện Thái Hòa còn có 02 bảo vật quý giá:
- Ngai vàng của hoàng đế: Là biểu tượng quyền lực của triều đại.
- Bửu tán: Là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự.
Kiến trúc điện Thái Hòa
Điện Thái Hòa được làm theo lối nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau). Nhà trước và nhà sau nối với nhau bằng một hệ thống vì kèo thứ ba đỡ hệ thống trần được uốn cong lên như hình mai cua, tên gọi chung là trần thừa lưu (trần vỏ cua). Chính điện 5 gian 2 chái kép, tiền điện 7 gian 2 chái đơn, được xây trên nền cao 0,9m so với mặt đất.
Mái điện lợp ngói Hoàng lưu ly, nhưng không phải là một dải liên kết mà được chia làm 3 tầng chồng mí lên nhau theo thứ tự từ cao xuống thấp, gọi là mái “chồng diêm”, mục đích là để tránh đi sự nặng nề của một tòa nhà quá lớn, đồng thời để tôn cao ngôi điện bằng cách tạo ra hiệu ứng thị giác chiều cao cho tòa nhà. Giữa 2 tầng mái trên là dải cổ diêm chạy quanh bốn mặt của tòa nhà, dải cổ diêm được phân khoảng ra thành từng ô hộc để trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” (một ô thơ, một bức họa).
Không gian bên trong điện Thái Hòa
Nội thất điện rộng lớn với hệ thống 80 cột trụ gỗ lim sơn son thếp vàng trang trí rồng vờn mây (long vân thủy ba), một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần đúng như chức năng vốn có của ngôi điện. Tất cả các cột gỗ lim được đặt trên để trụ bằng đá khắc đẽo hình hoa sen, có chức năng chống ẩm từ nền điện. Hệ thống vì kèo, rường cột, xuyên, trến ở đây đều liên kết với nhau một cách chặt chẽ bằng hệ thống mộng, tạo sự vững chắc cho ngôi điện.
Bức hoành phi sơn son thếp vàng khắc 3 chữ “Thái Hòa Điện” được treo phía trên gian chính giữa điện. Theo các nhà nghiên cứu, chữ “Thái Hòa” ở đây mang ý nghĩa triết lý sâu sắc. “Thái” là lớn lao, to rộng; “Hòa” là hài hòa, hòa hợp (cuộc sống hòa hợp giữa âm và dương, giữa cương và nhu, giữa người và người, giữa người và trời đất thì mới hữu ích cho vạn vật. Khi cuộc sống đạt được sự hài hòa rộng lớn trong mọi mối quan hệ thì sẽ có điều kiện để phát triển mạnh mẽ). Có thể xem tên gọi của ngôi điện là mục tiêu, lý tưởng của triều Nguyễn về một đất nước thái bình và vương triều phát triển thịnh vượng.
Hệ thống thơ văn chữ Hán ở kiến trúc điện Thái Hòa được trang trí với 295 ô hộc chạm gỗ và bằng pháp lam ở bên trong và bên ngoài. Đi liền với những ô thơ là những họa tiết tạo nên kiểu thức “nhất thi nhất họa” được trang trí trên các liên ba, đố bản, cổ diềm ở cả nội thất và ngoại thất của công trình.Thơ văn chữ Hán ở điện Thái Hòa thể hiện nhiều chủ đề nội dung khác nhau, nhưng chủ yếu là: ca ngợi vương triều, ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất, ca ngợi vẻ đẹp vùng đất Đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ cây cối, các mùa trong năm… Hệ thống thơ văn ở điện Thái Hoà cũng như các cung điện khác của di tích cung đình Huế là một kiểu thức trang trí độc đáo.
Vào ngày 19/05/2016, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO vinh danh là “Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.
Tiêu biểu nhất là bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt được chạm khắc ngay dưới bức hoành phi “Thái Hòa Điện”, được xem là tuyên ngôn của triều Nguyễn về văn hóa:
“Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu”
Nghĩa là: Đất nước có ngàn năm văn hiến/ Cơ đồ nay đã thống nhất vạn dặm/ Từ thuở Hồng Bàng khai mở đến nay/ Nước Nam đã sánh như các quốc gia thịnh trị tựa thời Đường Ngu.
Các lần trùng tu, sửa chữa điện
Điện Thái Hòa đã được trùng tu, sửa sang nhiều lần dưới thời các vua triều Nguyễn. Đặc biệt dưới thời vua Thành Thái (1899), nền điện được lát bằng gạch hoa thay thế gạch Bát Tràng tráng men trước đó. Thời vua Khải Định (1923) điện Thái Hòa được cải tạo và “hiện đại hóa” một số chi tiết phù hợp với sở thích của vị vua yêu thích cách tân, như lắp ráp hai hệ thống cửa kính ở mặt trước và mặt sau của ngôi điện, trổ cửa sổ hình tròn lớn, giữa gắn chữ thọ ở hai mảng tường gạch chịu lực ở mặt tiền hai chái của cung điện.
Điện Thái Hòa và không gian tồn tại của nó là biểu tượng cao nhất về uy quyền của nhà nước quân chủ. Đây là ngôi điện uy nghi, tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc cung đình còn lại ở Huế
Ngai vàng và Bửu tán bên trong điện Thái Hòa
Ngai vàng
Ngai vàng của hoàng đế là biểu tượng quyền lực của triều đại. Trong số các triều đại quân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn cho đến nay.
Ngai vàng được đặt giữa điện Thái Hòa trên bệ cao 3 tầng. Ngai vàng cao 101cm, rộng 72cm và dài 87cm. Phần đế cao 20cm, rộng 90cm và dài 118cm. Ngai được làm bằng gỗ quý, sơn son, thếp vàng, khắc chạm hình ảnh rồng. Rồng mang biểu tượng của quyền lực và mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn… Đây là chiếc ngai vàng duy nhất còn lại ở Việt Nam, là bảo vật độc bản có tầm quan trọng to lớn, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc. Đó là những lý do chiếc ngai vàng này được xếp vào danh mục bảo vật quốc gia Việt Nam vào năm 2015.
Bửu tán
Là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự. Dưới thời vua Gia Long bửu tán được làm bằng vải gấm. Năm 1923 để chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần đại khánh” của mình, vua Khải Định đã cho làm bửu tán bằng gỗ thếp vàng. Mỗi mặt của bửu tán chạm lộng hình hai con rồng chầu mặt vào nhau miệng ngậm chữ “Thọ”, bốn góc chạm hình đầu rồng nhô cao, xung quanh và các góc tạo hình các tua rủ uyển chuyển mềm mại.
Người chế tác bức bửu tán này là nghệ nhân Nguyễn Văn Khả. Cảm phục tài năng của người nghệ nhân, vua Khải Định ban cho Nguyễn Văn Khả hàm “Hàn lâm kiểm thảo”, thường gọi là Kiểm Khả.
Thông tin du lịch điện Thái Hòa
Điện Thái Hòa nằm bên trong Đại Nội Huế. Từ Ngọ Môn đi vào, qua cầu Trung Đạo bắt qua hồ Thái Dịch là đến điện. Đây là phải đến khi tham quan Đại Nội Huế từ du khách tự do, hay đi theo tour.
Trong điện Thái Hòa có sa bàn tổng thể về Kinh thành Huế. Hãy dừng chân tại đây để tìm hiểu thêm hệ thống Kinh thành Huế.
Một số lưu ý khi vào tham quan điện Thái Hòa:
- Chỉ đi theo lối tham quan có lót thảm
- Không quay phim, chụp hình bên trong điện
- Không sờ vào bảo vật, đồ trưng bày bên trong điện
Trên đây là những thông tin lịch sử quý giá về điện Thái Hòa, một ngôi điện quan trọng bậc nhất của triều đình nhà Nguyễn trong quá khứ. Và là ngôi điện đẹp, đáng để tham quan nhất hiện nay mỗi khi mua vé tham quan Đại Nội Huế
Nguồn: THUYẾT MINH CÁC ĐIỂM THAM QUAN THỪA THIÊN HUẾ – SỞ DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ
Bổ sung thông tin: Cố đô Huế