Duyệt Thị Đường xây năm 1826 thời vua Minh Mạng, là Nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn lại cho đến hôm nay. Duyệt Thị Đường là một trong 4 nhà hát được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, bao gồm: Duyệt Thị Đường, Tịnh Quan Viên, Minh Khiêm Đường và Cửu Tư Đài. Cùng Cố đô Huế tìm hiểu sâu hơn về nhà hát này trong bài viết dưới đây
Lịch sử xây dựng nhà hát Duyệt Thị Đường
Khu vực nơi nhà hát Duyệt Thị Đường tọa lạc có diện tích là 11.470m2 bao gồm nhiều công trình kiến trúc có chức năng khác nhau:
- Thái Y Viện nằm ở phía Đông Nam (nơi làm việc của các Thái y);
- Thượng Thiện đường nằm ở phía Đông Bắc (nơi các đầu bếp phục vụ nhiều món ăn cho hoàng gia).
- Riêng nhà hát tọa lạc trên diện tích hình chữ nhật rộng rãi 1.182m, được xây dựng vào năm 1826, dưới thời vua Minh Mạng và trở thành nhà hát cổ nhất của Việt Nam còn tồn tại cho đến hôm nay. Nhà hát này là nơi các nhạc công và nghệ sỹ của cung đình tấu nhạc, diễn tuồng và múa cung đình…để phục vụ cho nhà vua, hoàng gia, quan lại và các sứ thần nước ngoài.
Nội thất của nhà hát được sơn son thếp vàng, trung tâm là 2 hàng cột gỗ lim có chiều cao 12m, xung quanh ba mặt Đông, Tây, Nam thiết kế 2 tầng có lan can che chắn. Trên trần nhà hát được trang trí chạm nổi hình ảnh mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú tượng trưng cho vũ trụ thu nhỏ.
Phía trên sân khấu treo bức hoành phi đề ba chữ “Duyệt Thị Đường”. Tên gọi Duyệt Thị Đường được hiểu là ngôi nhà để xem biểu diễn nghệ thuật, để từ đó con người chiêm nghiệm những điều hay lẽ phải. Hai bên khám có treo hai câu đối bằng chữ Hán của vua Minh Mạng:
“Âm nhạc tinh trận hòa kỳ tâm di dưỡng kỳ chí
Nghiên xuy tề hiến thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi”
Dịch nghĩa:
“Âm nhạc cũng phô bày, hòa lòng người để nuôi dưỡng chí khí
Thiện ác đồng trình hiện, khiến giữ được cái đúng mà giới hạn cái sai”
Hình thức sân khấu nhà hát được xây dựng kiểu sân khấu có ba mặt, nét đặc trưng của nghệ thuật sân khấu trình diễn. Phía sau sân khấu là hậu trường nơi dành cho diễn viên thay trang phục và để dụng cụ biểu diễn.
Duyệt Thị đường ngày nay
Sau năm 1945 và trong thời gian năm chiến tranh, cùng với các công trình khác trong Tử Cấm Thành, Duyệt Thị Đường bị tàn phá nặng nề. Trong thời kỳ đất nước bị chia cắt, chính quyền Miền Nam Cộng hòa đã dùng Duyệt Thị Đường làm nơi giảng dạy của trường Quốc gia Âm nhạc Huế nên nhiều công trình của nhà hát bị phá bỏ, cấu trúc nhà hát bị thay đổi.
Đến năm 1995 với sự tài trợ một phần về kinh phí và chuyên môn của tổ chức Codev Việt – Pháp, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trùng tu lại nhà hát này. Đặc biệt từ sau năm 2003, Nhã nhạc Cung đình Huế được vinh danh là “Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” (hiện nay “Di sản văn hóa đại diện của nhân loại”) thì Nhà hát Duyệt Thị Đường trở thành một điểm đến không thể bỏ qua của du khách.
Đây là địa điểm biểu diễn của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường trở thành điểm biểu diễn chính của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.
Các loại hình nghệ thuật diễn ở đây gồm Nhã nhạc, Múa cung đình và trích đoạn Tuồng cung đình. Bình quân mỗi ngày nhà hát tổ chức 4 suất diễn với những tiết mục được dàn dựng công phu thu hút người xem và đánh giá cao như múa “Lục cúng hoa đăng”, tiểu nhạc “Thập thủ liên hoàn”, đại nhạc “Tam luân cửu chuyển”, múa “Lân mẫu xuất lân nhi”, các trích đoạn tuồng “Hữu biến vô hình”, “Phàn Lê Ba”, v.v.
Thông tin du lịch nhà hát Duyệt Thị Đường
>>> Xem thêm: Các công trình bên trong Đại Nội Huế