Giới thiệu lịch sử các lăng vua Nguyễn

Tập trung về phía Tây Nam của Kinh Thành Huế, các vị vua đã lựa chọn những khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp nhất, hợp phong thủy “Vạn niên cát địa” để xây dựng lăng tẩm cho mình, theo quan niệm “Sinh ký tử quy” (có nghĩa: sống là sự ký gửi tạm bợ trên dương thế, chết mới quay về cõi vĩnh hằng của thế giới bên kia).

Huế từng là trung tâm chính trị – văn hóa qua các thời kỳ lịch sử: là thủ phủ thời các chúa Nguyễn, là kinh đô của triều Tây Sơn và tiếp đó là triều Nguyễn. Vùng đất này đã hội tụ, giao thoa, tiếp biến nhiều nền văn hoá từ đó đã tạo nên cho Huế một diện mạo đặc trưng với nhiều chùa chiền, đền đài miếu mạo, nhà vườn, phủ đệ và các lăng tẩm của các vị vua Nguyễn. Trong đó nổi bật nhất là Quần thể Di tích Cổ đô Huế. Năm 1993, Quần thể Di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Điều đó đã làm cho Huế trở thành một địa điểm hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu hàng năm.

Giới thiệu lăng vua Nguyễn

Hầu hết các vị vua triều Nguyễn đã cho xây dựng lăng tẩm của mình khi đang tại vị để yên tâm khi nhắm mắt xuôi tay. Vua vừa là người chọn đồ án thiết kế, và đôi khi cũng là người giám sát việc xây cất sơn lăng. Mỗi một lăng vua với đặc tính riêng của nó, ảnh hưởng từ tính cách của mỗi vị hoàng đế, bối cảnh ra đời… để sau đó làm nên những thành tựu tuyệt đẹp của kiến trúc mỹ thuật. Có thể nói, nhờ vận dụng tư tưởng triết học phương Đông kết hợp với tài năng tuyệt diệu của các nhà kiến trúc dưới thời Nguyễn, lăng tẩm Huế là những thành tựu kiến trúc độc đáo, vừa hiện thực vừa siêu nhiên, thực sự là những kỳ quan của tiền nhân để lại cho chúng ta.

Cụm di tích Lăng vua Gia Long

Giới thiệu vua Gia Long

Hoàng đế Gia Long tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, là con trai thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Côn và bà Nguyễn Thị Hoàn. Ông sinh ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (08/ 02/1762).

Trong suốt những năm nội chiến với quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh đã nỗ lực xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, mở mang giáo dục khoa cử, đặc biệt thu dùng nhân tài người Việt và Minh Hương. Cũng trong thời gian này, với sự giúp đỡ về kỹ thuật quân sự của một số người Pháp, Nguyễn Phúc Ánh đã cho xây thành Gia Định (1790), mở xưởng đóng tàu, xây dựng lực lượng thủy quân hùng mạnh, khai hoang mở đất, lập đồn điền, chiêu tụ dân ly tán. Đặc biệt, trong hành trình gian nan tìm kiếm sự giúp đỡ của lực lượng bên ngoài nhằm khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc, Nguyễn Phúc Ánh đã đưa con trai trưởng của mình là Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh làm con tin để ký hiệp ước với Chính phủ Pháp (1787). Khi việc thực hiện hiệp ước Versailles không thành, Nguyễn Phúc Ánh vẫn kiên trì theo đuổi ý chí và đó là sức mạnh để ông giành thắng lợi trước quân Tây Sơn.

Kế tục dòng dõi các chúa Nguyễn, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn (1778 – 1801) tháng 06 năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế và đặt niên hiệu Gia Long lập ra triều Nguyễn. Năm 1803 vua Gia Long cho tiến hành khảo sát địa thế, chọn vị trí xây Kinh đô tại vùng đất bên bờ bắc sông Hương, bao gồm phần đất của 08 làng cùng một phần sông Bạch Yến và Kim Long.

Kinh thành Huế được khởi công xây dựng vào năm 1805, hoàn chỉnh vào năm 1833 dưới triều vua Minh Mạng. Chu vi hơn 10.000m, thành cao 6,6m, dày 21m được xây khúc khuỷu với 24 pháo đài, giác bảo, thành phụ Trấn Bình Đài cùng vòng đai bảo vệ bên ngoài là Hộ thành hà, hào, thành giai, phòng lộ… tạo nên hệ thống bố phòng quân sự vững chắc. Chịu ảnh hưởng của hai dòng kiến trúc Âu – Á, Kinh thành Huế là công trình xây dựng đồ sộ, là một tác phẩm trúc kiến nghệ thuật độc đáo thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới năm 1993.

Trong gần 18 năm trị vì (1802 – 1820), là vị hoàng đế sáng lập nên triều Nguyễn, vua Gia Long không chỉ là người thống nhất đất nước trên bình diện lãnh thổ, kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương mà còn đặt nền móng cho việc phát triển kinh tế, luật pháp, văn hóa, xã hội…, bằng nhiều hoạt động và chính sách cụ thể; đặc biệt là việc quy hoạch xây dựng Kinh đô Huế từ năm 1803 và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1804, dưới triều vua Gia Long quốc hiệu Việt Nam chính thức được xác nhận trên bản đồ khu vực và văn bản hành chính nhà nước.

Gia Long là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cai quản một đất nước thống nhất từ Bắc vào Nam. Để tiện quản lý và điều hành một quốc gia rộng lớn, ông đã cho tổ chức bộ máy chính quyền trung ương tương tự như các triều đại trước với cơ cấu Lục bộ (bao gồm: bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công).

Về mặt hành chính, do quá trình chia cắt đất nước lâu dài, các vùng có sự phân chia hành chính khá khác nhau nên vua Gia Long đã cho áp dụng chế độ “quân quản”, chia đất nước làm nhiều vùng miền: miền Bắc, miền Nam, vùng Trung kỳ và Kinh kỳ cho tiện quản lý. Bắc Thành và Gia Định Thành giao cho hai quan Tổng trấn đứng đầu nắm toàn quyền về luật pháp, kinh tế lẫn quân sự. Hai vùng miền Trung và Kinh kỳ do chính quyền trung ương trực tiếp quản lý. Các Trấn – Dinh (tương đương Tỉnh sau này) do quan Lưu Trấn quản lý. Dưới Trần – Dinh là Phủ, Huyện, Châu (dùng cho vùng miền núi) với các vị quan đứng đầu lần lượt là Tri Phủ, Tri Huyện, Tri Châu. Cuối cùng là bộ máy làng xã cổ truyền. Đây là lần đầu tiên bộ máy hành chính được tổ chức một cách chính quy như thế trên một lãnh thổ thống nhất trong lịch sử Việt Nam. Bộ máy hành chính do vua Gia Long xây dựng đã hoạt động rất tốt, quản lý có hiệu lực một quốc gia thống nhất. Cách thức tổ chức bộ máy hành chính linh hoạt, phù hợp với những năm đầu mới thống nhất đất nước dưới thời Gia Long đã đặt được nền móng vững chắc cho chế độ cai trị của triều Nguyễn về sau. Đây chính là thời kỳ quá độ, để sau này hoàng đế Minh Mạng tiếp tục kế thừa, tiến hành dân sự hóa bộ máy hành chính, tập trung quyền lực cao nhất cho trung tâm chính trị ở Kinh đô Huế.

Cụm di tích lăng vua Gia Long

Cụm di tích lăng vua Gia Long tọa lạc tại thôn Định Môn, xã Hương Thọ, thành phố Huế, là nơi yên nghỉ của vua Gia Long cùng hai Hoàng hậu và một số thành viên hoàng tộc nhà Nguyễn, được xây dựng từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX. Hai đại thần Tống Phúc Lương, Phạm Như Đăng và thầy địa nổi tiếng Lê Duy Thanh (con trai của nhà bác học Lê Quý Đôn) nhận nhiệm vụ đi tìm cuộc đất tốt để xây dựng.

Xung quanh cụm lăng mộ này có 42 ngọn núi chầu vào, mỗi ngọn đều được đặt một tên riêng. Đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch, chỉ đạo công tác thiết kế, cũng như giám sát tiến độ thi công. Thầy địa lý Lê Duy Thanh là người tìm được cuộc đất này, nơi tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh, ảnh hưởng tốt lành còn mãi mãi trong suốt vạn năm.

Sự kết hợp khéo léo, hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ với những nét đặc trưng của kiến trúc lăng mộ thời Nguyễn khiến các cụm di tích lăng Hoàng đế Gia Long không chỉ hội đủ các yếu tố phong thủy, mà còn có cảnh quan vô cùng hoành tráng và hữu tình.

Lăng Quang Hưng

Lăng Quang Hưng là lăng của bà Tống Thị Đôi, vợ thứ của chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687). Bà là con gái quan Thiếu phó Quận công Tống Phúc Khang và bà họ Phạm, quê ở huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Lăng được xây dựng vào năm 1680, lăng tọa lạc trên một ngọn đồi, quay mặt về phía Tây Nam (tọa Dần hướng Thân), có kiến trúc khá đơn giản, phần mộ được xây thành hai cấp, chung quanh được bao bọc bằng hai vòng thành hình chữ nhật. Trước lối đi là một tấm bình phong xây bằng gạch chỉ, hình cuốn thư, không trang trí họa tiết. Cửa xây theo lối mái giả, các mặt trang trí một cách đơn giản bằng kiểu ô lòng giếng. Mặt sau của cả hai vòng thành đều xây bình phong cao lên. Mặt nền trong lăng được tráng bằng vôi vữa. Dưới thời Tây Sơn, ngôi lăng này đã bị khai quật. Năm 1808, vua Gia Long đã cho sửa sang lại. Năm 1840 vua Minh Mạng cho xây các vòng thành xung quanh cao hơn trước như chúng ta đang thấy ngày nay.

Lăng Vĩnh Mậu

Lăng Vĩnh Mậu là lăng của bà Tống Thị  Lãnh, vợ chúa Nguyễn Phúc Trăn/Thái (1687 – 1691). Bà Tống Thị Lãnh quê ở huyện Tổng Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bà là con gái quan Thiếu phó Quận công Tống Phúc Vinh, mẹ họ Lê, bà sinh năm Quý Tỵ (1653) và mất ngày 25 tháng 03 năm Bính tý (25/03/1696). Bà được phong tặng là Quốc thái Phu nhân, là mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Lăng Vĩnh Mậu nằm trên một ngọn đồi và được bao bọc bởi hai vòng thành, hình chữ nhật ở xung quanh. Lăng quay mặt về phía Tây (lệch qua hướng Bắc 10 độ), lấy núi Kim Phụng làm tiền án.

Kiến trúc của lăng khá đơn giản, phần 3 mộ được xây thành hai cấp, trước mộ xây một hương án khá lớn, xung quanh khu mộ có hai vòng thành và có bình phong che chắn.

Lăng Vĩnh Mậu cũng đã bị nhà Tây Sơn đào bới và đã được làm lại vào tháng 4 năm 1808 dưới thời vua Gia Long. Vào năm 1840, vua Minh Mạng lại cho sửa sang và xây bình phong cao hơn trước, đồng thời cho xây thêm chiếc cổng ở trước thành như hiện nay.

Lằng Trường Phong

Là lăng của chúa Nguyễn Phúc Trú/Thụ (1697 – 1738), hiệu là Ninh Vương là con trưởng của chú Nguyễn Phúc Chu và bà Tống Thị Được. Lăng nằm trên một ngọn đồi thấp, quay mặt về hướng Bắc, phía trước có một khe nước chảy qua gọi là khe Trường Phong. Đây là yếu tố phong thủy cho khu lăng mộ nên không được phép để dòng nước bị ngăn chặn, khi bị xâm phạm về mặt phong thủy, không chỉ các quan địa phương mà các quan tỉnh cũng bị trừng phạt. Điều này đã từng xảy ra vào tháng 07 năm 1843. Bấy giờ nông dân làng Kim Ngọc có xin phép các quan ở phủ Thừa Thiên cho đắp một đoạn của khe này để dẫn nước vào ruộng. Các quan Tôn Thất Cung, Vũ Đức Phu và Đinh Doãn Trung đã cho phép làm, nhưng không hỏi ý kiến của triều đình. Việc này sau đó bị phát giác, vua Thiệu Trị liền sai Bộ Lễ cùng Khâm Thiên Giám đi điều tra thực tế và vẽ bản đồ dâng lên cho vua xem. Nhà vua nói: “Khe nước ấy từ núi Nhuệ Sơn đổ lại, theo bên hữu lăng Trường Phong ôm vòng về đằng trước, lại cùng các đường thủy hạ lưu của các tôn lăng hợp làm một dòng, chảy rót về bên tả, thế nước chầu về rất là quý cách. Vả lại, đường thủy ở sơn lăng cốt phải cho lưu thông, không được đắp đê ngăn chặn ngang từng chỗ…”. Sau đó các quan tỉnh nói trên bị triều đình phạt mỗi người mất 06 tháng lương.

Kiến trúc của lăng được bao bọc bằng hai vòng thành hình chữ nhật, phía trước có xây bình phong giữa mặt trước có xây một cái cửa, trước cửa có xây tam cấp để đi xuống một cái sân dài 28m, rộng 750m, rồi đến một hệ thống tầng cấp gồm 18 bậc. Khu lăng mộ này cũng đã bị nhà Tây Sơn đào phá, nên sau này được vua Gia Long cho xây lại vào tháng 04/1808, sau này vua Thiệu Trị cho sửa sang thêm vào năm 1841.

Lăng Thoại Thánh

Lăng Thoại Thánh là lăng của thân mẫu vua Gia Long, bà Hiếu Khương Hoàng hậu (mất năm 1811). Hiếu Khương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Thị Hoàn, người tỉnh Thừa Thiên, bà là con của Diễn Phúc công Nguyễn Phúc Trung, mẹ họ Phùng. Bà sinh được ba người con trai: Nguyễn Phúc Đồng, Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long), Nguyễn Phúc Điểm và một cô con gái là Long Thành Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Tú.

Lăng Thoại Thánh là một công trình kiến trúc lăng tẩm có quy cách nghiêm cẩn, có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và trang trí, gồm có cả lăng (nơi chôn) và tẩm (nơi thờ) nằm gần nhau. Đây là lăng của mẹ vị vua đầu triều Nguyễn (vua Gia Long) và cũng là lăng của một bà Hoàng thái hậu được xây dựng sớm nhất dưới triều Nguyễn.

Lăng quay về hướng chính Nam (tọa Tý hướng Ngọ), dùng núi Rệ làm tiền án. Kiến trúc bao gồm khu vực tẩm điện (nơi thờ) ở bên trái của lăng mộ, hai bên có tả hữu phối điện, phía trước có nghi môn, xung quanh xây tường gạch, trên núi trồng thông. Lăng mộ được xây trên một ngọn đồi được san xẻ và kè đá ở chung quanh. Trung tâm của lăng là một ngôi mộ bằng đá Thanh khá lớn nằm lộ thiên, bình phong phía sau trong các ô lòng giếng trang trí nhiều hình ảnh, đắp hai chữ Hán “Phúc” và “Lộc”.

Phía trước cửa nghi môn đồ sộ ở vòng thành ngoài có 4 tầng sân lát gạch và đá, chung quanh xây lan can thấp. Các tầng sân này nối lại với nhau bằng những hệ thống bậc cấp; hai bên mỗi thành bậc đều đắp nổi hình rồng bằng vôi gạch.

Trước mặt lăng có hồ Vuông là yếu tố “minh đường” cho khu vực này. Ở phía Nam của hồ xây hai trụ biểu khá lớn. Cách một quãng ở bên trái lăng là khu tẩm điện, cũng tọa lạc trên một ngọn đồi và bao bọc chung quanh bằng một vòng thành.

Điện thờ này là một tòa “nhà kép” làm đồ theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Nội thất kiểu trang trí bằng các đố bản chạm trổ giống 1 với kiểu trang trí ở điện Minh Thành ở Thiên Thọ Lăng. Hiện tại khu vực điện thờ bị hư hỏng hoàn toàn, nay chỉ còn phần nền móng của các công trình.

Lăng Hoàng Cô

Lăng Hoàng Cô là lăng của Thái trưởng Công chúa Long Thành, tức Công chúa Ngọc Tú, chị cùng mẹ của hoàng đế Gia Long. Bà mất vào năm 1825. Lăng được xây dựng cũng vào khoảng thời gian này.

Long Thành Công chúa Ngọc Tú là người con gái đầu trong bốn người con gái của ông Nguyễn Phúc Luân. Bà là chị đầu của vua Gia Long, vợ một võ tướng tên là Lê Phước Điển. Trong thời kỳ Nguyễn Ánh còn đánh nhau với quân Tây Sơn ở Nam bộ, Lê Phước Điển đã bị nhà Tây Sơn bắt và giết chết vào năm 1783. Trước khi chết ông tỏ ra là một người rất khẳng khái. Cảm kích trước tấm lòng trung kiên đó của chồng đối với nhà Nguyễn, người vợ trẻ đẹp ấy không tái giá và sau khi nhà Nguyễn trở về Phú Xuân, bà tự nguyện xuất gia. Vua Gia Long chỉ chấp thuận xây cho bà một ngôi nhà nhỏ ở làng Xuân Dương gần Huế để tu tại gia, chứ không cho bà xuống tóc quy y. Bà là cô ruột của vua Minh Mạng vì vậy trước khi chết vào năm 1825, bà bày tỏ ý nguyện với vua Minh Mạng rằng sau khi bà qua đời, hãy cạo đầu và mặc áo cà sa cho bà rồi hãy khâm liệm. Nhưng sau đó, vua Minh Mạng đã không cho làm theo lời bà dặn, lấy lý do là lễ giáo của đạo Nho không cho phép làm như vậy. Tuy nhiên, nhà vua cũng đã để tang cho cô của mình 5 ngày và ban tên hiệu “Long Thành Thái Trưởng Công Chúa”, thụy là Trinh Tĩnh, đồng thời xây cho bà một ngôi lăng theo kiểu kiến trúc Phật giáo.

Nằm trên một ngọn đồi thấp, lăng quay mặt về hướng chính Nam, dùng núi Rệ làm tiền án. Tháp xây theo dạng bửu châu (Stupa) có 4 tầng, đặt trên một cái bệ chia làm 3 cấp nằm chính giữa, chung quanh có hai vòng thành hình chữ nhật bao bọc. Trên đỉnh tháp đắp hình hoa sen. Bình phong được xây trước lối ra vào của vòng thành có đắp nổi hình con phụng xung quanh trang trí hình hoa lá. Ngay trước bình phong có một tấm bia bằng đá Thanh dựng vào năm 1838, mặt trước để dòng chữ: “Long Thành Thái Trưởng Công Chúa, Thụy Trinh Tĩnh chi tẩm”. Bà được thờ chung với mẹ ở điện Thoại Thánh. Ở vòng tường ngoài, mặt trước vòng tường trổ một cửa duy nhất, trên xây mái giả, chung quanh trang trí bằng những ô hộc ăn sâu vào theo kiểu ô lòng giếng. Trên đỉnh cửa cũng đắp một hình hoa sen rất đơn giản. Trước mặt cửa này có 3 tầng sân nằm liên tiếp nhau, mỗi sân dài 15m, rộng 4m.

Lăng Hoàng Cô là một công trình kiến trúc đặc biệt trong lịch sử kiến trúc lăng tẩm của các thành viên thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn.

Lăng Thiên Thọ Hữu

Lăng Thiên Thọ Hữu là lăng của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu (1769 – 1846), vợ thứ của vua Gia Long thân mẫu của hoàng đế Minh Mạng. Sở dĩ gọi là lăng Thiên Thọ Hữu, vì nó nằm bên phải lăng Thiên Thọ, chỉ cách nhau khoảng 100m. Lăng Thiên Thọ Hữu có hai khu vực kiến trúc: khu vực lăng mộ và khu vực tẩm điện, nằm cách nhau chừng 50m theo hàng ngang ven theo bờ Bắc của phần cuối hồ Dài. Cả hai khu vực này đều nằm trên vùng đồi gọi là Thuận Sơn, nhưng phương hướng của hai khu vực kiến trúc thì khác nhau.

Khu vực lăng mộ quay mặt về hướng Nam nhưng nghiêng nhẹ một chút về phía Tây. Tiền án là núi Rệ có độ cao khoảng 618m. Cận án là núi Ngọc Đường chiều cao khoảng 231m. Minh đường là một mặt hồ hình bán nguyệt được cắt xén và uốn nắn từ hồ Dài. Ngôi mộ được bao quanh bởi hai vòng tường hình chữ nhật khá lớn. Mộ nằm lộ thiên, xây bằng đá Thanh. Phía trước mộ có đặt hương án và bình phong đều xây bằng đá Thanh. Bình phong sau mộ thì xây bằng vôi gạch, bên trên có mái giả và mặt trước trang trí hình ảnh bát bửu đắp nổi. Hai lá sách ở hai bên bình phong này được trang trí hình đầu rồng ngậm chữ “Thọ”. Trước cửa có 4 tầng sân với những hệ thống tầng cấp và thành bậc chạm nổi hình rồng phụng. Bên kia bờ hồ là hai cột trụ biểu cao khoảng 12m, trên đỉnh tạo hình đèn lồng. Sau lưng khu lăng mộ là một ngọn đồi chạy dài theo hướng Nam Bắc giữ vai trò “hậu chẩm” bảo vệ phía sau.

Khu vực điện thờ của lăng Thiên Thọ Hữu nằm trên một ngọn đồi khá cao, dùng núi Ngọc Đường làm tiền án. Công trình kiến trúc chính ở khu vực này là điện Gia Thành, xung quanh được bao bọc bởi một vòng thành hình chữ nhật cao xây bằng gạch. Mặt trước trổ cửa tam quan hai tầng trước cửa là những hệ thống bậc cấp bằng đá với các thành bậc cũng bằng đá Thanh chạm hình rồng, nối kết các tầng sân với nhau, chạy xuống đến gần bờ hồ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *