Kinh thành Huế là vòng thành ngoài cùng có chức năng bảo vệ kinh đô triều Nguyễn. Được bắt đầu quy hoạch năm 1803, xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long và hoàn thành tổng thể năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Kinh thành Huế được các nhà kiến trúc và xây dựng Việt Nam thiết kế xây dựng theo kiến trúc Vauban – một kiểu kiến trúc rất mạnh về phòng thủ quân sự thời bấy giờ. Ngoài ra, khi nói đến Kinh thành Huế người ta còn hàm ý vùng đất bên trong vòng thành này mà phần lõi trong đó là Hoàng thành và Tử Cấm thành – được gọi chung là Đại Nội Huế.
Kinh Thành là một công trình vô cùng đồ sộ, và được xây dựng chính dưới triều vua Gia Long và hoàn thành tổng thể năm 1832 – dưới thời vua Minh Mạng. Và được trùng tu, làm thêm nhiều lần ở các đời vua về sau. Dưới đây là một số thông tin về quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng Kinh thành Huế
1. Quá trình quy hoạch mặt bằng Kinh Thành Huế
Công cuộc quy hoạch tổng thể Kinh thành Huế chính thức bắt đầu vào ngày 1-5-1803. Ở giai đoạn này tập trung chủ yếu vào việc giải tỏa mặt bằng, xây dựng đường xá cho việc thi công, chưa trưng tập quân dân.
Công cuộc quy hoạch này làm thay đổi một cách sâu sắc diện mạo địa lý tự nhiên của khu vực quy hoạch Kinh Thành. Đáng kể nhất là phần quy hoạch liên quan đến các thủy lộ ở bờ Bắc sông Hương, tức là hai chi lưu Kim Long và Bạch Yến để tạo thành sông Ngự Hà và sông Hộ thành Hà như bây giờ.
Trong thời gian quy hoạch chuẩn bị cho việc xây dựng Kinh Thành Huế thì triều đình nhà Nguyễn cũng đã bắt tay vào xây dựng Cung Thành (đổi tên thành Tử Cấm Thành thời Minh Mạng) và Hoàng Thành vào tháng 5-1804.
2. Quá trình xây dựng Kinh Thành Huế
Thời vua Gia Long
28-5-1805: Bắt tay vào xây dựng Kinh Thành – Nắn 2 dòng sông Bạch Yến và sông Kim Long thành Hộ Thành Hà và Ngự Hà; đắp thành bằng đất; đào hệ thống hào trước mặt thành…
1806: Xây dựng đàn Nam Giao (tế trời) và đàn Xã Tắc (tế Thần Đất và Thần Lúa)
1807: Xây Kỳ Đài
1809: Xây dựng 10 cửa ra vào Kinh Thành. Lưu ý là thời Gia Long chỉ là cửa đơn giản, chưa có các Vọng Lâu như bây giờ
1818: Ốp gạch mặt trước và mặt phải Kinh Thành
1819: Ốp gạch mặt sau Kinh Thành
Thời vua Minh Mạng
1822: Ốp gạch mặt trái Kinh Thành
1824: Xây dựng Vọng lâu cửa Cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba) và cửa Đông Bắc (cửa Trài)
1829: Xây dựng 6 vọng lâu của các cửa: 4 cửa phía Nam và 2 cửa phía Tây
1831: Xây Vọng lâu của 2 cửa phía Bắc
1832: Tạm hoàng thành công cuộc xây dựng Kinh Thành Huế
Lưu ý, ngoài Kinh Thành thì còn có tòa thành phụ là Thái Bình Đài (đổi tên thành Trấn Bình Đài năm 1836) cũng được bắt tay vào xây dựng năm 1805.
3. Một vài thông tin kiến trúc Kinh Thành Huế
Để có cái nhìn rõ hơn về mặt kiến trúc, phần này sẽ cung cấp một vài thông số về kiến trúc như như chu vi, diện tích Kinh thành; chiều cao, chiều dày của tường thành; số lượng pháo đài, pháo nhãn…
Chu vi vòng thành
Mặt tiền: 641 trượng = 2.724,25 m
Mặt tả: 608 trượng 7 thước 9 tấc = 2.587,3575 m
Mặt hữu: 625 trượng 8 thước 9 tấc = 2.660,0325 m
Mặt hậu: 611 trượng 6 thước 8 tấc = 2.599,64 m
Tổng chu vi: 10.571,64 m
Bề dày của thân thành
5 trượng = 21,25 m
Chiều cao của thân thành
Mặt ngoài: 1 trượng 5 thước 2 tấc = 6,46 m
Mặt trong: 9 thước = 3,825 m
Đây là kích thước ghi trong Hội Điển, kích thước thật đo được có chút thay đổi ở từng đoạn thành.
Số lượng pháo đài
Xung quanh thành có tất cả 24 đoạn lồi ra được gọi là Pháo đài. Nếu nhìn xa thì thấy đều đặn nhưng thật ra thì kích thước lớn nhỏ khác nhau tùy theo điều kiện địa lý và vị trí chiến lược mà mỗi pháo đài tọa lạc.
Ngoài 4 pháo đài góc (gọi là Giác bảo) thì 20 pháo đài còn lại được chia là 3 kích cỡ
- Pháo đài cỡ lớn: chu vi 328,33 m
- Pháo đài cỡ trung: chu vi 265,40 m
- Pháo đài cỡ nhỏ: chu vi 176,10 m
Số lượng pháo nhãn
Trong phạm vi các pháo đài, dọc theo tường bắn có những “chỗ xây lõm xuống để đặt súng” – súng đại bác (còn gọi là thần công), chỗ lõm này gọi là Pháo nhãn. Có tất cả 386 pháo nhãn ở trên 24 pháo đài. Ngoài ra trong phạm vi vòng thành còn tăng cường 15 pháo nhãn ở đoạn thành thẳng hai bên Đông Thành Thủy Quan và 3 pháo nhãn ở đoạn thành thẳng trên Tây Thành Thủy Quan để phòng thủ cho 2 đầu sông Ngự Hà. Vậy tổng pháo nhãn là 404.
Số lượng cửa ra vào Kinh Thành Huế
Tính tổng thế Kinh thành Huế có tất cả 13 cửa ra vào. Bao gồm 11 cửa đường bộ và 02 cửa đường thủy
Kích thước của các cửa ra vào Kinh Thành Huế (chỉ nói 10 cửa chính đường bộ, không nói đến Trấn Bình Môn và 2 cửa Thủy Quan)
- Phần cửa:
Chiều cao của cửa: 2 trượng = 8,5 m
Vòm cửa: Cao 5,185 m; rộng 3,825 m
- Phần vọng lâu
Cao: 8,925 m; dọc và ngang: 8,84 m
Như vậy tổng chiều cao theo Hội Điển là 17,425 m
Lưu ý: đây là số đo chung ghi trong Hội điển, kích thước thật có chút khác biệt nhỏ ở từng cửa.
Trên đây là bài viết rất chi tiết về Kinh thành Huế như quá trình quy hoạch mặt bằng, thiết kế, xây dựng. Và các thông tin kiến trúc của Kinh thành Huế. Hãy theo dõi thêm các bài viết về lịch sử Huế, triều Nguyễn trong chuyên mục Lịch sử Huế của Cố đô Huế tại đây.