Lăng Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu nằm trong khuôn viên của lăng vua Tự Đức. Trên lối ra khi vào tham quan lăng vua Tự Đức sẽ đi ngang qua lăng mộ này. Nếu có dịp đến thăm lăng Tự Đức, hãy bớt chút thời gian để vào tham quan khu lăng này.

Tiểu sử Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu
Lệ Thiên Anh Hoàng hậu tên là Vũ Thị Duyên, bà sinh vào ngày 23 tháng 06 năm 1828, quê ở huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Cha bà là Đông các Đại học sĩ Lệ Quốc công Vũ Xuân Cẩn, mẹ là Lệ Quốc Phu nhân họ Trần. Lệ Thiên Anh Hoàng hậu là người có tính nhu mì, thông thạo thơ văn, chữ nghĩa và đảm đang việc nhà.
Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) bà được tuyển vào cung hầu vua Tự Đức. Vốn tính đoan trang, hiểu thuận, nên bà rất được bà Từ Dũ và vua Tự Đức yêu quý.
Năm 1848 vua Tự Đức lên ngôi tấn phong bà làm Cung tần theo lệ của triều đình. Sau đó bà lần lượt được tấn phong làm Cẩn phi, Thuần phi, Trung phi và trở thành Hoàng quý phi vào năm Tự Đức thứ 15 (1862). Bà được giao trông coi Lục Viện.
Năm 1882, vua Tự Đức giận bà và giáng làm Trung phi, nguyên nhân là vì việc quản lý nhân sự của bà không được chu toàn. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, trước khi mất nhà vua di chiếu tôn bà làm Hoàng hậu trông coi Lục viện và nuôi dạy người kế vị là Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân (tức là vua Dục Đức). Vua Dục Đức lên ngôi mới 3 ngày thì bị hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất, ám hại. Sau đó họ lại đưa Nguyễn Phúc Hồng Dật lên ngôi lấy niên hiệu là Hiệp Hòa, vua Hiệp Hòa đã tôn bà là Khiêm Hoàng hậu. Tháng 10 năm 1883 vua Hiệp Hòa cũng bị Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường sai người giết chết, và đưa Nguyễn Phúc Ưng Đăng lên thay, lấy niên hiệu là Kiến Phúc. Tháng 06 năm 1884 vua Kiến Phúc đột ngột băng hà. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tôn Hàm Nghi lên thay. Tháng 03 năm 1885 vua Hàm Nghi tấn phong Nghi Thiên Chương Thái hoàng thái hậu cho bà Từ Dũ, nhân đó nhà vua cũng muốn xin tôn phong hiệu cho Khiêm Hoàng thái hậu như đúng lễ cho bà nhưng bà không nhận.
Khi Pháp đánh chiếm Kinh thành Huế năm 1885, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra Quảng Trị, bà cùng Tam Cung Lục Viện đi theo, sau đó Tam Cung về ngụ ở tại Khiêm Lăng. Đến khi vua Đồng Khánh kế vị, quân đội Pháp trao trả lại Kinh thành Huế cho triều đình nhà Nguyễn thì Tam Cung quay trở về lại Kinh thành. Bà trở lại cung Trường Ninh (về sau đổi tên là cung Trường Sanh) trong Hoàng thành Huế. Năm Thành Thái thứ 14 (1902), vào ngày 27 tháng 04 năm Nhâm Dần (tức ngày 03 tháng 06 dương lịch), Bà lúc này là Thái hoàng thái hậu, qua đời, thọ 75 tuổi; được dâng thụy hiệu là: “Lệ Thiên Phụ Thánh Trang Ý Thuận Hiếu Cần Thứ Ôn Từ Hiền Minh Tĩnh Thọ Anh Hoàng hậu”, thường gọi tắt là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu. Vua Thành Thái nhớ ơn bà chăm sóc cha mình (vua Dục Đức) nên tổ chức làm lễ tang long trọng và cho xây lăng bà tại đây vào năm 1902, đặt tên là Khiêm Thọ Lăng.
Vị trí lăng Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu
Qua cây cầu Tuần Khiêm là khu vực lăng mộ Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, khu vực này vốn được dùng làm nơi tập bắn, dựng nhà đọc sách, ngắm cảnh của nhà vua. Nếu xét về không gian văn hóa nguyên thuỷ của lăng vua Tự Đức, Khiêm Thọ Lăng và Bồi Lăng không phải là những yếu tố hình thành nên chỉnh thể không gian vườn cảnh nơi đây. Tuy nhiên do bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội lúc bấy giờ, triều đình Nguyễn buộc phải dùng vị trí này làm nơi an nghỉ của Lệ Thiên Anh Hoàng hậu (Khiêm Thọ Lăng) và vua Kiến Phúc (Bồi Lăng).

Kiến trúc lăng Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu
Kết cấu của Khiêm Thọ Lăng cũng gồm có các tầng sân và Bửu thành. Điều nổi bật trong khu vực này là hệ thống ô hộc được dùng gạch hoa đúc rỗng tráng nhiều màu men và mảnh sành sứ để trang trí, cùng nhiều mô – típ hoa lá, chim phụng, lân… Bình phong trước mộ hoàng hậu được làm theo kiểu cuốn thư đặt trên chân quỳ, ở giữa trang trí hai con chim phụng chầu quanh mặt trời (ở mặt trước) và hình chữ “Thọ” (ở mặt sau) được đắp bằng xi – măng gắn các mảnh sành sứ. Mộ của hoàng hậu cũng được làm bằng đá theo hình một ngôi nhà, trên chạm hình chim phụng và chữ “Thọ”.


Thông tin du lịch lăng Lệ Thiên Anh Hoàng Hậu
Lăng Lệ Thiên Anh Hoàng hậu nằm bên trong khuôn viên khu lăng Tự Đức. Khi mua vé vào tham quan lăng Tự Đức thì bạn có thể vào tham quan lăng này. Lăng nằm trên lối ra khi tham quan lăng vua Tự Đức, nên rất tiện cho du khách khi muốn tham quan lăng.
>>> Xem thêm: Tìm hiểu lịch sử các khu lăng mộ của các vua triều Nguyễn
Nguồn: THUYẾT MINH CÁC ĐIỂM THAM QUAN THỪA THIÊN HUẾ – SỞ DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ