Lịch sử 13 vị vua triều đại nhà Nguyễn

Lịch sử 13 vị vua triều đại nhà Nguyễn đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XIX, trải qua hai giai đoạn chính:

  • Từ năm (1802 – 1858) là giai đoạn độc lập, từ khi vua Gia Long thống nhất đất nước đến các đời Minh Mạng Thiệu Trị và Tự Đức.
  • Từ năm (1858 – 1945) là giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ, kể từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào tháng 08 năm 1945.

13 VỊ VUA TRIỀU ĐẠI NHÀ NGUYỄN

1. VUA GIA LONG

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Ánh.
  • Ngày sinh: Ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (08/02/1762).
  • Năm lên ngôi: Ngày 02 tháng 05 năm 1802 (01/06/1802).
  • Thời gian trị vì: 18 năm (1802 – 1820).
  • Ngày mất: Ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (03/02/1820).
  • Miếu hiệu: Thế Tổ Cao Hoàng đế.

Trong suốt 25 năm bôn ba chinh chiến, vua Gia Long đã khôi phục lại cơ nghiệp dòng tộc của mình, vua là người có công thống nhất mảnh đất hình chữ S và xác định chủ quyền với đảo Hoàng Sa-Trường Sa, đặt tên quốc hiệu Việt Nam. Nhà vua cho kiến lập hệ thống Lục Bộ và tập trung chấn chỉnh về quân sự, ngoại giao. Chú trọng đến việc học hành thi cử để tuyển chọn nhân tài.

2. VUA MINH MẠNG

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Kiểu.
  • Ngày sinh: Ngày 23 tháng 04 năm Tân Hợi (25/05/1791).
  • Năm lên ngôi: Tháng Giêng năm Canh Thìn (1820).
  • Thời gian trị vì: 21 năm (1820 – 1841).
  • Ngày mất: Ngày 28 tháng Chạp năm Canh tý (20/01/1841).
  • Miếu hiệu: Thánh Tổ Nhân Hoàng đế.

Trong 21 năm ở ngôi, vua Minh Mạng đã có nhiều cải cách quan trọng từ nội trị đến ngoại giao: cho bỏ các dinh và trấn, thành lập các tỉnh (cả nước lúc bấy giờ có 31 tỉnh); định lại quan chế, đặt mức lương bổng của các quan; thống nhất việc đo lường thống nhất y phục; khuyến khích dân khai hoang lập ấp; sửa sang hệ thống giao thông; lập nhà Dưỡng tế ở các tỉnh để giúp đỡ những người nghèo khổ tàn tật và những người già cả không nơi nương tựa. Đặc biệt, nhà vua đề cao Nho học và khuyến khích nhân tài. Lãnh thổ được mở rộng nhất trong lịch sử và Việt Nam thực sự trở thành quốc gia hùng mạnh, vì vậy vào năm 1838 vua Minh Mạng đã cho đổi tên nước thành Đại Nam.

3. VUA THIỆU TRỊ

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Miên Tông.
  • Ngày sinh: Ngày 11 tháng 05 năm Đinh Mão (16/06/1807).
  • Năm lên ngôi: Ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu (11/02/1841).
  • Thời gian trị vì: 07 năm (1840 – 1847).
  •  Ngày mất: Ngày 27 tháng 09 năm Đinh Dậu (04/10/1847).
  • Miếu hiệu: Hiến Tổ Chương Hoàng đế.

Vua Thiệu Trị là người hiền hòa, siêng năng việc nước, nhưng không bày ra những việc mới, việc nội trị, cũng như ngoại giao dưới thời vua ở ngôi đều mong giữ gìn những thành quả đạt được, nối tiếp và hoàn thiện những công việc còn dở dang. Vua chú trọng việc học hành, cho tiếp tục soạn bộ “Đại Nam thực lục tiền biên”, bộ “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ”, đồng thời bản thân nhà vua cũng nổi tiếng là người giỏi thơ văn, nổi bật nhất là bộ thơ “Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập”.

4. VUA TỰ ĐỨC

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.
  • Ngày sinh: Ngày 25 tháng 08 năm Kỷ Sửu (22/09/1829).
  • Năm lên ngôi: Tháng 10 năm Đinh Mùi (1947).
  •  Thời gian trị vì: 36 năm (1847 – 1883).
  • Ngày mất: Ngày 16 tháng 06 năm Quý Mùi (19/07/1883).
  •  Miếu hiệu: Dực Tông Anh Hoàng đế.

Tự Đức là vị vua ham học, hiểu rộng và đặc biệt giỏi văn thơ, được người đời ca tụng là một ông vua rất có hiếu. Triều đại của ông đã diễn ra nhiều biến cố với vận mệnh nước Đại Nam, phải đối phó với thế lực phương Tây, nhưng cuối cùng vẫn để chủ quyền đất nước rơi vào tay người Pháp.

5. VUA DỤC ĐỨC

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Ưng Ái.
  • Ngày sinh: Ngày 04 tháng 01 năm Quý Sửu (11/02/1853).
  • Năm lên ngôi: Ngày 19 tháng 07 năm 1883.
  • Ngày mất: Ngày 06 tháng 10 năm 1883.

Nhưng ông chỉ tại vị được ba ngày thì bị hai vị phụ chính đại thần là Tổn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường hãm hại, phế truất ngôi vua.

6. VUA HIỆP HÒA

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Hồng Dật.
  •  Ngày sinh: Ngày 01 tháng 11 năm 1847.
  • Năm lên ngôi: năm 1883.
  • Ngày mất: Ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi (29/11/1883).

Sau khi phế vua Dục Đức, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa Lãng Quốc Công Hồng Dật lên làm vua, vì bất đồng quan điểm nên bị hai quan phụ chính ép uống thuốc độc chết sau khi tại vị được 4 tháng.

7. VUA KIẾN PHÚC 

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Ung Đăng.
  • Ngày sinh: Ngày 02 tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (12/2/1869).
  •  Năm lên ngôi: Ngày 03 tháng 11 năm Quý Mùi (02/12/1883).
  • Thời gian trị vì: 08 tháng (1883 – 1884)
  • Ngày mất: Ngày 10 tháng 06 năm Giáp Thân (31/07/1884)
  • Ông là vị quân chủ yểu mệnh nhất của nhà Nguyễn, băng hà lúc mới 15 tuổi

8. VUA HÀM NGHI

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Ưng Lịch.
  • Ngày sinh: Ngày 17 tháng 06 năm Tân Mùi (03/8/1871).
  •  Năm lên ngôi: Ngày 12 tháng 06 năm Giáp Thân(02/08/1884).
  • Thời gian trị vì: 01 năm (1884 – 1885).
  •  Ngày mất: Ngày 14 tháng 01 năm 1944.

Được hai trọng thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Năm 1885 sau trận tập kích Pháp thất bại, được Tôn Thất Thuyết hộ giá và nhân danh ông phát động phong trào Cần Vương chống Pháp, sau 3 năm thì bị người Pháp bắt và đem an trí ở Algérie sau đó qua đời tại đây.

9. VUA ĐỒNG KHÁNH

  • Ngày sinh: Ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (19/12/1864).
  • Năm lên ngôi: tháng 08 năm 1885.
  • Thời gian trị vì: 03 năm (1885 – 1888).
  • Ngày mất: Ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tỷ (28/01/1889).
  • Miếu hiệu: Cảnh Tông Thuần Hoàng đế.

Vua Đồng Khánh được tướng Pháp đề nghị lập làm vua lúc vua Hàm Nghi rời khỏi triều đình theo phong trào Cần Vương. Ông là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn chịu sự bảo hộ của người Pháp.

10. VUA THÀNH THÁI

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Bửu Lân. –
  • Ngày sinh: Ngày 22 tháng 02 năm Kỷ Mão (14/03/1879).
  • Năm lên ngôi: Ngày 01 tháng 02 năm 1889.
  • Thời gian trị vì: 19 năm (1889 – 1907).
  • Ngày mất: Ngày 18 tháng 2 năm Ất Mùi (09/03/1955).

Là vị vua có tư tưởng cầu tiến, yêu nước, có hiểu biết khá toàn diện. Khác với những vị vua trước đây, ông học tiếng Pháp, cắt tóc ngắn mặc âu phục, làm quen với văn minh phương Tây. Nhà vua có tinh thần chống Pháp rất cao, nên đến năm 1907 ông bị Pháp ép thoái vị, sau đó đày sang đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

11. VUA DUY TÂN

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Vĩnh San.
  • Ngày sinh: Ngày 26 tháng 08 năm Canh Tý (19/09/1900).
  • Năm lên ngôi:Ngày 28 tháng 07 năm Đinh Mùi (05/09/1907).
  • Thời gian trị vì: 09 năm (1907 – 1916).
  • Ngày mất: Ngày 21 tháng 11 năm Ất dậu (25/12/1945).

Khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp. Năm 1916 khi ở châu Âu đang diễn ra cuộc Thế chiến thứ I, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như: Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Dự định thất bại và Duy Tân bị bắt đem an trí cùng vua cha Thành Thái ở đảo Réunion thuộc Ấn Độ Dương.

12. VUA KHẢI ĐỊNH

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Bửu Đảo.
  • Ngày sinh: Ngày 01 tháng 09 năm Ất Dậu (08/10/1885).
  • Năm lên ngôi: Ngày 18 tháng 05 năm 1916.
  • Thời gian trị vì: 09 năm.
  • Ngày mất: Ngày 20 tháng 09 năm Ất Sửu (06/11/1925).
  • Miếu hiệu: Hoàng Tông Tuyên Hoàng đế.

Tuy kế nhiệm vua Duy Tân, nhưng Khải Định là ông vua thân Pháp nên không có được cảm tình của nhân dân.

13. VUA BẢO ĐẠI

  • Tên thật: Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
  • Ngày sinh: Ngày 03 tháng 09 năm Quý Sửu (22/10/1913).
  • Năm lên ngôi: Ngày 25 tháng 11 năm Ất Sửu (08/01/1926).
  • Thời gian trị vì: 21 năm (1925 – 1945).
  • Ngày mất: Ngày 31 tháng 07 năm 1997.

Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và của chế độ quân chủ Việt Nam nói chung. Ông được đào tạo theo Tây học, hào hoa lịch lãm, mạnh dạn bỏ một số tập tục của các vua đời trước, thực hiện nhiều cải cách về nội các, hành chính. Trong bản Tuyên ngôn thoái vị, bàn giao đất nước cho đại diện cách mạng lâm thời, ông có câu nói nổi tiếng: “Trẫm muốn làm dân một nước tự do, hơn làm vua một nước nô lệ”.

Như vậy, với 143 năm tồn tại, triều đại nhà Nguyễn đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc, đây chính là giai đoạn lịch sử dân tộc chuyển tiếp từ thời Trung đại sang Cận đại để bước vào thời Hiện đại.

Triều Nguyễn là một triều đại mà trong buổi đầu của nó được xem là đỉnh cao của chế độ quân chủ chuyên chế Việt Nam, với một lãnh thổ quốc gia rộng lớn và thống nhất, một nền hành chính khá vững chắc, quy củ, cùng sự phát triển rực rỡ về văn hóa. Nhưng với bối cảnh lịch sử Việt Nam thời bấy giờ và sự tấn công xâm lược ồ ạt của Phương Tây, cuối cùng nhà Nguyễn đã để mất chủ quyền và đất nước rơi vào trong tay người Pháp.

Riêng đối với Huế, trong mấy trăm năm làm chủ vùng đất này, họ Nguyễn đã biến một vùng đất vốn là “Ô châu ác địa” trở thành thủ phủ của Đàng Trong rồi Kinh đô của cả nước. Cho đến nay, Huế là nơi duy nhất ở nước ta còn giữ được khá nguyên vẹn diện mạo của một Kinh đô quân chủ phong kiến phương Đông.

LỜI KẾT LỊCH SỬ TRIỀU NGUYỄN

Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trong lịch sử kéo dài 143 năm. Lịch sử 13 vị vua triều đại nhà Nguyễn đã để lại cho nhân loại, cho Việt Nam, cho Huế nhiều di sản, nhiều câu chuyện về lịch sử của triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.

Cố đô Huế ngày nay là thành phố của những di sản, qua diễn trình lịch sử đến nay là nơi duy nhất của Việt Nam để lại đến 5 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận. Di sản đó là những thành tựu văn hóa mang giá trị nổi bật toàn cầu, là phức hệ di sản văn hóa quý báu của dân tộc:

  • Quần thể Di tích Cố đô Huế (Di sản văn hóa của nhân loại, năm 1993).
  • Nhã nhạc cung đình (Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, 2003).
  • Mộc bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu thế giới, năm 2009).
  • Châu bản triều Nguyễn (Di sản tư liệu thế giới, năm 2014).
  • Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (Di sản tư liệu thế giới, năm 2016).

>>> Xem thêm: Lịch sử dòng họ Nguyễn và chín đời chúa Nguyễn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *