Ngai vàng và Bửu tán

Ngai vàng: Ngai vàng của hoàng đế là biểu tượng quyền lực của triều đại. Trong số các triều đại quân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn cho đến nay. Bửu tán: Là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự.

Ngai vàng và Bửu tán
Ngai vàng và Bửu tán
Ngai vàng và Bửu tán

Ngai vàng: Ngai vàng của hoàng đế là biểu tượng quyền lực của triều đại. Trong số các triều đại quân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam, triều Nguyễn là triều đại cuối cùng, cũng là triều đại duy nhất để lại ngai vua còn nguyên vẹn cho đến nay.

Ngai vàng được đặt giữa điện Thái Hòa trên bệ cao 3 tầng. Ngai vàng cao 101cm, rộng 72cm và dài 87cm. Phần đế cao 20cm, rộng 90cm và dài 118cm. Ngai được làm bằng gỗ quý, sơn son, thếp vàng, khắc chạm hình ảnh rồng. Rồng mang biểu tượng của quyền lực và mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn... Đây là chiếc ngai vàng duy nhất còn lại ở Việt Nam, là bảo vật độc bản có tầm quan trọng to lớn, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đặc sắc. Đó là những lý do chiếc ngai vàng này được xếp vào danh mục bảo vật quốc gia Việt Nam vào năm 2015.

Bửu tán: Là cái tàng lọng quý báu, che trên ngai vua, tạo nên sự uy nghi và trang trọng của không gian vua ngự. Dưới thời vua Gia Long bửu tán được làm bằng vải gấm. Năm 1923 để chuẩn bị cho lễ “Tứ tuần đại khánh” của mình, vua Khải Định đã cho làm bửu tán bằng gỗ thếp vàng. Mỗi mặt của bửu tán chạm lộng hình hai con rồng chầu mặt vào nhau miệng ngậm chữ “Thọ”, bốn góc chạm hình đầu rồng nhô cao, xung quanh và các góc tạo hình các tua rủ uyển chuyển mềm mại. Người chế tác bức bửu tán này là nghệ nhân Nguyễn Văn Khả. Cảm phục tài năng của người nghệ nhân, vua Khải Định ban cho Nguyễn Văn Khả hàm “Hàn lâm kiểm thảo”, thường gọi là Kiểm Khả.

Nguồn: THUYẾT MINH CÁC ĐIỂM THAM QUAN THỪA THIÊN HUẾ - SỞ DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ