Nhã nhạc Cung đình Huế

Nhã nhạc là một thuật ngữ liên quan đến âm nhạc cung đình (gồm Đại nhạc và Tiểu nhạc), từng có mặt tại 4 nước đồng văn Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước. Nhã nhạc cung đình Huế là sản phẩm kết hợp giữa lễ và nhạc, là nhạc chính thống của triều Nguyễn được dùng trong những dịp lễ Tế Giao, Tế Miếu và trong các dịp triều hội. Về sau nó còn bao gồm các loại hình âm nhạc mang tính giải trí cho các bậc vua chúa, hoàng gia và triều đình, cho nên được gọi chung là Âm nhạc cung đình.

Ở Việt Nam, Âm nhạc cung đình đã có từ thời nhà Lý (1010 – 1225), qua đến đời Trần (1225 – 1400) Âm nhạc cung đình đã trở nên khá phong phú về loại hình và hệ thống bài bản. Tuy nhiên đến thời nhà Hồ (1400 – 1407) thuật ngữ Nhã nhạc mới được sử dụng lần đầu tiên trong sử sách của nước ta. Đặc biệt đầu thời nhà Lê thì Nhã nhạc mới trở thành một điển chế với những tổ chức dàn nhạc chặt chẽ của cung đình.

Đầu thế kỷ XIX, khi Huế được chọn làm Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất và rộng lớn, triều Nguyễn đã phát triển nền Âm nhạc cung đình lên đến đỉnh cao, phát triển hoàn thiện về nội dung lẫn bài bản, hình thức biểu diễn cũng như kỹ thuật diễn tấu. Nhã nhạc mang tính bác học, tính triết lý sâu sắc và gắn kết với các nghi lễ quan trọng bậc nhất nên đã được xem là quốc nhạc.

Khi triều Nguyễn kết thúc vào năm 1945, cùng những biến động của lịch sử, Âm nhạc cung đình cũng mai một dần theo thời gian và có nguy cơ thất truyền. Mãi cho đến những năm cuối thế kỷ XX, Nhã nhạc dần dần được phục hồi và đạt được một vị thế mới trên trường quốc tế khi trở thành “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” vào tháng 11/2003.

  • Nhạc cung đình

Nhạc cung đình bao gồm nhiều thể loại: Giao nhạc (dùng trong lễ Tế Giao), Miếu nhạc (dùng trong các lễ Tế Miếu), Ngũ tự nhạc (dùng trong các cuộc lễ Tế Thần Nông, Thành Hoàng, Xã Tắc), Đại triều nhạc (dùng trong những dịp lễ lớn), Thường triều nhạc (dùng trong các lễ thường triều), Yến nhạc (dùng trong các cuộc yến tiệc lớn trong cung đình), Cung trung nhạc (phục vụ trong nội cung).

  • Tuồng cung đình

Trên mảnh đất Phú Xuân huyền thoại, tuồng đã xuất hiện khá sớm và thực sự thăng hoa khi vị chân chúa Nguyễn Phúc Nguyên gặp được danh sĩ Đào Duy Từ, người đã bị triều Lê bạc đãi vì xuất thân trong một gia đình “xướng ca vô loại”. Từ cơ sở đó, về sau, tuồng tiếp tục phát triển đến đỉnh cao dưới thời các vua triều Nguyễn.

Vua Minh Mạng đã cho lập Thanh Bình Thự chuyên trách nghệ thuật tuồng, ban phẩm trật quan chức và lương bổng cho nghệ sĩ tuồng đồng thời tuyển dụng lớp Đồng Ấu vào Thanh Bình Thự để đào tạo tài năng từ thuở nhỏ.

Vua Tự Đức đã cho lập Ban Hiệu Thư để tập hợp những kịch bản tuồng trong dân gian, chỉnh lý lại thành tuồng bác học. Tương truyền vua Đồng Khánh mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt tên cho các cung nữ của mình. Hay vua Khải Định vì đam mê tuồng và đã cho xây hẳn một nhà hát để diễn tuồng tại cung An Định.

Tuồng cung đình trở thành một công cụ có ý nghĩa để đề cao tinh thần tôn quân, ái quốc, trung hiếu, tiết nghĩa… thời bấy giờ, gắn chặt với ý thức hệ Nho giáo. Đặc biệt có 2 pho tuồng nổi tiếng:

“Vạn bửu trình tường” gồm 108 hồi, mỗi hồi diễn một đêm, lấy tên các vị thuốc Đông y đặt tên và tính cách cho các nhân vật;
“Quần phương hiến thụy” gồm có 80 hồi, lấy tên các loại hoa để đặt tên cho nhân vật.

  • Múa cung đình

Múa cung đình bắt nguồn từ các điệu múa truyền thống trong dân gian được chọn lọc và nâng cao theo những quy phạm nghệ thuật chặt chẽ, trang nghiêm. Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình các tuyến cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng, điển hình là điệu múa “Lục cúng hoa đăng”, “Trình tường tập khánh”, “Tam tinh chúc thọ”. Những điệu múa này thường được biểu diễn trong các ngày lễ Hưng Quốc khánh niệm, Tết Nguyên Đán, lễ Thánh Thọ (sinh nhật Hoàng thái hậu), lễ Vạn Thọ (sinh nhật Vua), lễ Thiên Xuân (sinh nhật Hoàng tử), hay lễ kết hôn của Hoàng tử, Công chúa, hoặc trong các dịp tiếp đãi sứ thần…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *