Trong suốt thời gian 300 năm (1636 – 1945), Huế đã từng là Thủ phủ (1687 – 1774) của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Là Kinh đô của triều đại nhà Tây Sơn (1788-1802), rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới sự trị vì của 13 vị vua triều Nguyễn (1802 – 1945).
Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc,… Ngày 11/12/1993, Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại. Tiêu biểu trong Quần thể di tích cố đô Huế là Kinh thành cổ kính. Kinh Thành là vòng thành bao bọc ngoài cùng bên trong còn có hai vòng thành (Hoàng Thành và Tử Cấm Thành). Ba vòng thành này bố trí đăng đối trên một trục dũng đạo xuyên suốt từ mặt Nam đến mặt Bắc.
Cùng Cố đô Huế tìm hiểu tổng quan về hệ thống các di tích lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa của nhân loại trong bài viết bên dưới
Hệ thống thành quách ở Huế
Kinh Thành Huế
Là vòng thành thứ nhất nằm ngoài cùng, được xây dựng năm 1805 dưới thời vua Gia Long và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng. Kinh Thành Huế là một trong những thành tựu vĩ đại của vua Gia Long và triều Nguyễn với chức năng phòng thủ Kinh độ. Về hình thức, thành được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vauban (tên của một kỹ sư công binh người Pháp), song kết cấu là kiểu nén đất giữa các lớp gạch của thành lũy truyền thống. Vòng thành có chu vi gần 11km, tường thành cao 6,6m và dày 21m, được xây lồi lõm, dích sắc với những pháo đài được phân bố gần như đều nhau. Thành ban đầu chỉ đắp bằng đất, mãi đến cuối thời vua Gia Long mới được cho xây gạch bao ở các mặt ngoài như chúng ta thấy ngày nay.
Xuất phát từ hệ tư tưởng của Nho giáo, quy hoạch Kinh Đô Huế được ứng dụng Kinh dịch gắn liền với phong thủy địa lý của phương Đông. Toàn bộ thành quách cung điện quay mặt về hướng Nam theo quan niệm “Thánh nhân nam diện, nhi thính thiên hạ” (tạm dịch: Bậc Thánh nhân luôn quay mặt về phương Nam để cai trị thiên hạ một cách sáng suốt).
Quay mặt về hướng Nam, Kinh Thành lấy núi Ngự Bình làm “tiền án”, lấy Sông Hương chảy qua trước mặt làm “minh đường”. Giữa sông Hương có hai bãi bồi nổi lên (người Huế gọi là Cồn), Cồn Hến bên trái và cồn Giã Viên bên phải tạo thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”.
Kinh thành Huế có 13 cửa ra vào, trong đó có 10 cửa đường bộ, 2 cửa đường thủy thông Kinh Thành với bên ngoài qua hệ thống Ngự Hà là Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan, đồng thời có 01 cửa thông với Trấn Bình Đài (thành phụ ở góc Đông Bắc của Kinh Thành).
Hoàng Thành Huế
Là tòa thành bao quanh khu vực hành chính tối cao của triều đình nhà Nguyễn, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành. Hoàng Thành có bình diện hình chữ nhật, chu vi 2.416m, tường thành cao hơn 4m, dày hơn 1m. Hoàng thành có 4 cửa bố trí tại 4 mặt: phía Nam là Ngọ Môn, phía Đông là cửa Hiển Nhơn, phía Tây là cửa Chương Đức, phía Bắc là cửa Hòa Bình. Bên ngoài thành có hệ thống hào bao bọc, tên gọi là hồ Ngoại Kim Thủy.
Tử Cấm Thành
Là vòng thành trong cùng bảo vệ khu vực làm việc hàng ngày của triều đình và trung tâm sinh hoạt của hoàng gia. Tử Cấm Thành chu vi 1.300m, tường thành cao 3,5m, dày gần 1m. Tử Cấm Thành có 10 cửa ra vào.
Một số công trình tiêu biểu gắn liền với Kinh thành Huế
Cửa Thể Nhơn (cửa ngăn trên)
Phía bên trái Kỳ Đài (từ trong nhìn ra) là cửa Thể Nhơn, được xây dựng vào năm 1805, đến năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng xây thêm vọng lâu bên trên cửa vòm. Cửa này xưa chỉ dành riêng cho nhà vua và quần thần ra vào Kinh Thành, luôn được ngăn lại (vì vậy dân gian thường gọi là cửa Ngăn)
Cửa Quảng Đức (cửa Sập – cửa ngăn dưới)
Phía bên phải Kỳ Đài (từ trong nhìn ra) là cửa Quảng Đức, xây dựng năm 1805, đến năm 1829 dưới thời vua Minh Mạng xây thêm vọng lâu bên trên cửa vòm. Cửa này xưa chỉ dành cho các bà thuộc Nội cung ra vào, đặc biệt ra hóng mát sông Hương. Trận lụt năm 1953 đã làm sập đổ hoàn toàn phần vòm cửa và vọng lâu (nên dân gian thường gọi là cửa Sập). Năm 1996, vọng lâu và vòm cửa đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ độ Huế tiến hành trùng tu và hoàn chỉnh vào đầu năm 1999.
Cửu vị Thần Công
Cửu Vị Thần Công là tên gọi của 9 khẩu đại pháo bằng đồng, được đúc dưới thời vua Gia Long năm 1803 và hoàn tất vào tháng 01 năm 1804. Mỗi khẩu dài 5,1m và nặng gần 11 tấn. Một khối lượng đồng lớn thu được từ những vũ khí của nhà Tây Sơn đã được vua Gia Long cho đem nấu chảy, đúc thành 9 khẩu súng lớn, xem như một chiến lợi phẩm tượng trưng cho vương triều mới.
Trên mỗi khẩu thần công được khắc tên theo thứ tự tương ứng với Tứ thời và Ngũ hành. Bốn khẩu bên trái (bên trong cửa Thể Nhơn) có thứ tự từ 1 đến 4 là: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Năm khẩu bên phải (bên trong cửa Quảng Đức) có thứ tự từ 5 đến 9 là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Năm 1816, vua Gia Long đã sắc phong cho cả 9 khẩu đại pháo này danh hiệu “Thần Oai Vô địch Thượng Tướng Quân” (hàm nghĩa: Vị thống lãnh quân đội tối cao uy dũng vô địch ngang hàng với thần linh).
Ngoài giá trị lịch sử, Cửu Vị Thần Công còn mang giá trị nghệ thuật cao. Từ kỹ thuật đúc đồng nghệ thuật trang trí và chạm khắc trên thân súng cũng như trên giá súng đều rất điêu luyện và tinh xảo. Đây là những khẩu súng thần công lớn nhất Việt Nam, là một trong những bộ tác phẩm mỹ thuật bằng đồng đạt tới đỉnh cao của nghề đúc đồng Việt Nam ở đầu thế kỷ XIX. Năm 2012, Cửu Vị Thần Công đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Kỳ Đài Huế
Kỳ Đài được xây dựng vào năm 1807, gồm có đài cờ và cột cờ, tổng chiều cao là 54,5m. Đài cờ xây ba tầng hình chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau với chiều cao 17,5m. Cột cờ dựng ở vị trí trung tâm tầng cao nhất của đài cờ, nguyên thủy được làm bằng gỗ cao 30m. Đến năm Thành Thái thứ 16 (1904) cột cờ đã bị một cơn bão lớn thổi gãy, sau đó được thay bằng ống gang. Năm 1947 khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị pháo bắn hỏng đầu năm 1948 cột cờ được dựng lại bằng bê – tông cốt sắt, cao 37m. Dưới thời Nguyễn vào các dịp lễ, tết, chào mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ có đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu. Thỉnh thoảng lính canh trèo lên Vọng Đẩu dùng kính Thiên lý quan sát ngoài bờ biển.
Kỳ Đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đặc biệt ngày 23/08/1945, lần đầu tiên lá cờ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tung bay phất phới trên đỉnh Kỳ Đài dưới sự chứng kiến của hàng vạn người dân Cố đô, chấm dứt 143 năm trị vì của vương triều Nguyễn và chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam.
Quảng trường Ngọ Môn
Cùng với Ngọ Môn, quảng trường Ngọ Môn là nơi tổ chức các cuộc lễ lớn của triều đình như: lễ Truyền Lô (xướng danh các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (phát lịch 1 năm mới), lễ Duyệt Binh hàng năm…
Ngày 30/08/1945 tại Quảng trường Ngọ Môn đã diễn ra cuộc mít-tinh, diễu 7 hành của hàng vạn quần chúng chứng kiến vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, hoàng đế Bảo Đại đọc Chiếu thoái vị và trao ấn kiếm – biểu tượng quyền lực – cho đại diện Chính phủ lâm thời, đánh dấu sự chấm dứt chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Sau năm 1975 đến nay, Quảng trường Ngọ Môn được sử dụng cho các hoạt động và tổ chức những sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của dân tộc và của địa phương như các lễ mit-tinh, lễ đón giao thừa, khai mạc, bế mạc các kỳ Festival Huế.
Ngọ Môn
Ngọ Môn là cổng chính và nằm ở phía Nam của Hoàng Thành, chỉ dành riêng cho nhà vua cùng đoàn ngự đạo ra vào Hoàng cung, hoặc dùng để tiếp đón các sứ thần. Trước đây tại vị trí này là Nam Khuyết Đài xây dựng đầu thời vua Gia Long. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833) khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc của Hoàng Thành, Nam Khuyết Đài bị triệt giải để xây dựng cổng Ngọ Môn uy nghi và to lớn hơn.
Hướng Nam, theo quan niệm của địa lý phong thủy phương Đông là hướng “Tý – Ngọ”. Trên thực tế hướng của Ngọ Môn cũng như toàn bộ Kinh Thành Huế – là hướng “Càn – Tốn” (Tây Bắc – Đông Nam), nhưng vẫn được xem là hướng Ngọ (hướng Nam). Theo Dịch học, hướng Nam là hướng dành cho bậc vua chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (tạm dịch: để cai trị thiên hạ, hướng về lẽ sáng để trị vì đất nước).
Trải qua hơn 200 năm với những tác động của thời gian, sự khắc nghiệt của thời tiết và cả khói lửa chiến tranh, nhưng Ngọ Môn vẫn tồn tại và đứng vững cho tới ngày hôm nay để trở thành một biểu tượng của xứ Huế.
Để miêu tả ngắn gọn về kiến trúc của Ngọ Môn, ca dao Huế có câu:
“Ngọ Môn năm cửa chín lầu,
Một lầu vàng tám lầu xanh
Ba cửa thẳng hai của quanh
Thân em phận gái, hỏi chốn Kinh thành làm chi.”
Kiến trúc Ngọ Môn chia làm hai phần chính: Hệ thống nền đài ở phía dưới và lầu Ngũ Phụng ở phía trên. Tuy tính chất và vật liệu xây dựng rất khác nhau, nhưng hai thành phần này lại được thiết kế hài hòa với nhau, trở thành một tổng thể thống nhất.
- Hệ thống nền đài
Có bình diện hình chữ U vuông góc, đáy dài 57,77m, cạnh bên dài 27,6m. Nền đài được xây bằng gạch đá kết hợp với các thanh dầm chịu lực bằng đồng, cao gần 5m, diện tích chiếm đất hơn 1.560 m2 (kể cả phần trong lòng chữ U). Thân đài trổ 5 lối đi, lối ở chính giữa phía trên có biển ngạch gắn 2 hai chữ Hán “Ngọ Môn” gò bằng đồng.
Lối giữa là lối chỉ dành cho vua đi, hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho văn, võ quan trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho đội binh lính và voi ngựa theo hầu.
- Lầu Ngũ Phụng
Lầu Ngũ Phụng là phần lầu đặt ở phía trên nền đài của cổng. Ngoài phần thân đài, lầu còn được tôn cao bởi một hệ thống nền cao 1,15m chạy suốt thân đài hình chữ U. Lầu Ngũ Phụng thiết kế hai tầng, kết cấu bộ khung hoàn toàn bằng gỗ lim, trong đó có 100 cây cột, với ý nghĩa tượng trưng cho bách tính trăm dân thiên hạ. Mái tầng dưới nối liền nhau, chạy vòng quanh để che cho phần hồi lang. Mái tầng trên chia thành 9 bộ mái, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Bộ mái chính giữa của lầu Ngũ Phụng lợp ngói Hoàng lưu ly (ngói vàng) che khu vực nơi dành cho vua ngồi dự lễ, tám bộ mái còn lại lợp ngói Thanh lưu ly (ngói xanh) che khu vực vị trí của các quan đứng hành lễ.
Ngọ Môn là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất dưới thời Nguyễn. Đây không chỉ có chức năng là cổng ra vào, mà còn được xem như một lễ đài. Nơi đây đã được triều đình nhà Nguyễn tổ chức các buổi lễ quan trọng như: lễ Ban Sóc (ban lịch mới), lễ Truyền Lô (đọc tên Tiến sĩ tân khoa), lễ Duyệt binh,…Đặc biệt vào ngày 30/08/1945, hoàng đế Bảo Đại đã lên lầu Ngũ Phụng cửa Ngọ Môn để đọc Chiếu Thoái vị và trao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam, trở thành công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời khắc chuyển giao lịch sử đó, 21 quả đại bác vang dội trên Kỳ Đài Huế, lá cờ vàng của Nam Triều được kéo xuống để lá cờ đỏ sao vàng tung bay dưới sự chứng kiến của hàng vạn người dân Huế, chấm dứt 143 năm tồn tại của triều Nguyễn, khép lại chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Ngày nay khi đến thăm Hoàng Cung, ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của thành trì Cố đô, còn được chứng kiến nghi lễ Đổi gác (vào lúc 9h đến 9h30 sáng hàng ngày) tại cổng Ngọ Môn, đây là một trong những nghi thức xưa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện dưới hình thức cảnh tượng hóa nhằm làm sống lại không gian của di sản, đồng thời giúp du khách hình dung về một nghi thức xưa trong nhiều hoạt động của triều Nguyễn.
Nghi Môn
Cầu Trung Đạo là cầu nối từ cửa Ngọ Môn đến sân Đại Triều Nghi. Cầu được xây bằng đá Thanh. Hai đầu cầu có dựng hai Nghi Môn bằng đồng uy nghi. Trên thân của bốn cột đồng đúc nổi “Long vân đồng trụ”. Phía trên đỉnh các trụ đồng có những ô hộc trang trí bằng pháp lam (đồng tráng men) rực rỡ với các hình tượng hoa lá, bát bửu rất sinh động. Cả hai mặt Nghi Môn đều có gắn chữ nổi khá lớn: “Chính Trực Đăng Bình” và “Cư Nhân Do Nghĩa” ở mặt Nghi Môn phía Nam; “Cao Minh Du Cửu” và” Trung Hòa Vị Dục” ở mặt Nghi Môn phía Bắc.
Nguồn: THUYẾT MINH CÁC ĐIỂM THAM QUAN DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ – SỞ DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ