Triệu Miếu (Triệu Tổ Miếu)
Triệu Tổ Miếu hay còn gọi là Triệu Miếu, là một trong năm ngôi miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn, được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Triệu Miếu nằm ở phía Đông Nam bên trong Hoàng Thành, là nơi thờ chúa Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Nguyễn Kim là người đã phò Lê Trang Tông, khởi đầu cho sự nghiệp trung hưng của nhà Lê. Năm 1545 ông đã bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, sau này triều Nguyễn truy tôn miếu hiệu cho ông là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế.
Triệu Miếu được xây trong một khuôn viên hình chữ nhật. Về kiến trúc, miếu gồm 1 tòa nhà chính xây theo lối “nhà kép”, chính đường 3 gian 2 chái, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. Bên trong nhà chính đặt án thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế và Hoàng hậu. Mỗi năm tổ chức 5 lần tế tương tự như ở Thái Miếu.
Trải qua thời gian hơn 200 năm, do chịu nhiều tác động bởi thời tiết khắc nghiệt ở Huế, sự hủy hoại của chiến tranh, công trình Triệu Miếu đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Được sự tài trợ từ Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cùng với nguồn đầu tư ngân sách, dự án trùng tu Triệu Tổ Miếu đã được triển khai vào tháng 06/2014 và hoàn thành vào tháng 09/2016.
Thái Miếu (Thái Tổ Miếu)
Thái Miếu được xây dựng dưới thời vua Gia Long vào năm (1804). Miếu được xây dựng ở phía Đông Nam bên trong Hoàng Thành, nơi thờ đức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng đế (chúa Nguyễn Hoàng) và Hoàng hậu. Và cùng thờ các chúa:
- Hiếu Văn Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Nguyên).
- Hiếu Chiêu Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Lan).
- Hiếu Triết Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Tần).
- Hiếu Nghĩa Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Trăn).
- Hiếu Minh Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Chu).
- Hiếu Ninh Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Chú).
- Hiếu Võ Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Khoát).
- Hiếu Định Hoàng đế (chúa Nguyễn Phúc Thuần).
Chỉ trừ Hiếu Định Hoàng đế, còn các chúa khác đều thờ Hoàng hậu cùng một án. Năm 1805, sau một năm xây dựng Thái Miếu, vua Gia Long đã cho đặt thờ thêm các bài vị của những công thần: Tôn Thất Khê, Tôn Thất Hiệp, Tôn Thất Hạo, Tôn Thất Đồng, Nguyễn U Kỷ, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tấn, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Cư Trinh, đều là những người có công lớn đối với các Chúa.
Tòa nhà chính kiến trúc theo kiểu “nhà kép”, chính đường 13 gian 2 chái kép, tiền đường 13 gian 2 chái đơn. Phía Đông nhà chính là điện Long Đức, phía Nam có điện Chiêu Kính. Đối diện với điện Chiêu Kính ở phía Tây là điện Mục Tư, phía Bắc điện này có tòa nhà vuông. Phía trước Thái Miếu có gác Tuy Thành (tên cũ là gác Mục Thanh) kết cấu 3 tầng, hình thức tương tự gác Hiển Lâm ở phía trước của Thế Miếu. Phía Nam gác Tuy Thành, hai bên có nhà Tả Vu và Hữu Vu. Bài vị của các công thần được đặt phối thờ ở hai nhà này.
Trong khuôn viên của Triệu Miếu và Thái Miếu, có nhà Thần Trù (nhà bếp), Thần Khổ (nhà kho) nằm song song với hai tòa miếu.