Tử Cấm Thành - Nơi làm việc, sinh sống của vua và Hoàng gia triều Nguyễn
Tử Cấm Thành là vòng thành thứ ba nằm bên trong Hoàng Thành. Tử Cấm thành là khu vực để nhà vua và hoàng gia sống, làm việc. Đây là khu vực người ngoài không được bước chân vào nếu không có ý chỉ của nhà vua. Ngày nay, bên trong Tử Cấm thành chỉ còn lại một vài công trình, phần lớn các công trình còn lại đều bị phá hủy bởi chiến tranh và thời gian

Tử Cấm Thành có 10 cửa ra vào, trong đó quan trọng nhất là Đại Cung Môn nằm ở mặt Nam; mặt Đông nguyên có 4 cửa, nay chỉ còn 3 cửa là: Duyệt Thị, Cẩm Uyển, Hưng Khánh; mặt Bắc có 3 cửa: Văn Phòng, Tường Loan, Nghi Phụng; mặt Tây có 2 cửa: Tây An và Gia Tường.
Theo điển tích của Nho giáo, nơi ở của Ngọc Hoàng thượng đế và Nương Nương ở trên trời là Tử Vi Viên (là một trong tam viên, nhóm sao trong thiên văn cổ Trung Quốc). Vua là thiên tử, con của trời vâng mệnh trời cai trị dân gian, nên chỗ ở của vua gọi là Tử Cấm Thành, hay còn có nghĩa thành cấm màu tía. Bên trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau được phân chia làm nhiều khu vực, tổng số công trình đó đã giảm nhiều qua những biến động các thời kỳ lịch sử.
Đại Cung Môn:
Cửa Đại Cung là cửa quan trọng nhất của khu vực Tử Cấm Thành. Cửa rộng 5 gian, mái lợp ngói Hoàng lưu ly. Kết cấu Đại Cung Môn gồm 24 cột gỗ, phần dưới chân các cột đều có đặt đế trụ bằng đá. Mặt trước treo bức hoành phi đề ba chữ “Đại Cung Môn”, cửa này được cấm y vệ canh gác nghiêm ngặt đêm ngày để bảo vệ vua cùng hoàng gia. Vào những ngày triều đình có các cuộc lễ lớn hay buổi lễ thiết đại triều, thì cửa Đại Cung Môn là nơi đặt các loại nghi vệ, nghi trượng, kiệu vua cùng các quan văn võ và quân lính chờ bên ngoài để rước nhà vua từ điện Cần Chánh hoặc cung Càn Thành đếnnơi làm lễ.
Công trình kiến trúc của Đại Cung Môn đã bị hư hỏng hoàn toàn, nay chỉ còn duy nhất phần nền móng.
Tả Vu và Hữu Vu: là hai công trình xây dựng đầu thế kỷ XIX. Tả Vu là tòa nhà dành cho quan văn, Hữu Vu là toà nhà dành cho quan võ có phẩm hàm từ nhất phẩm đến tứ phẩm, nơi để các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều; hai tòa nhà này cũng là nơi tổ chức thi đình và tổ chức yến tiệc.
Tả Vu, Hữu Vu đã từng được tu sửa hai lần vào năm Thành Thái thứ 10 (1898). Đến năm 1923 nhân dịp chuẩn bị cho lễ “Tứ Tuần Đại Khánh” của vua Khải Định, hai nhà Tả Vu Hữu Vu một lần nữa được tu sửa có quy mô và hình dáng kiến trúc như ngày nay. Trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1988, hai công trình đã được các chuyên gia Ba Lan hỗ trợ phục hồi phần mái và gia cố một phần nhằm bảo vệ các họa tiết còn sót lại. Năm 2013 dự án bảo tồn và tu sửa công trình Tả Vu Hữu Vu với sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Cộng Hòa Liên Bang Đức, các bức tranh tường và trần tòa nhà đã được phục hồi hoàn chỉnh, trả lại diện mạo cho công trình.
Hiện nay công trình nhà Tả Vu dùng để tổ chức trưng bày chuyên đề về các di sản văn hóa thế giới thuộc hệ thống di sản văn hóa Huế. Nhà Hữu Vu tổ chức một số dịch vụ trải nghiệm văn hóa cung đình xưa.