Cung Diên Thọ và các công trình bên trong

Cung Diên Thọ

Cung Diên Thọ là cung điện dành cho mẹ của vua, nằm ở phía Tây trong Hoàng Thành. Cung Diên Thọ được xây dựng rất sớm, vào đầu thời Nguyễn năm 1804, điều đó cho thấy vua triều Nguyễn rất quan tâm đến mẹ mình và đây cũng là biểu hiện cụ thể của việc đề cao chữ “hiếu” của triều đại này.

Giới thiệu cung Diên Thọ

Cung Diên Thọ vốn đã qua nhiều lần đổi tên (thông thường là mỗi lần thay đổi chủ nhân): Trường Thọ, Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ và cuối cùng là Diên Thọ. Tuy nhiên cho dù với tên gọi nào, thì đây chức năng công trình vẫn không thay đổi, nó là một biệt cung của các bà Hoàng thái hậu, hoặc Thái hoàng thái hậu, hoặc Thái thái hoàng thái hậu chính thức của Nội cung. Nơi nhà vua mong muốn mẹ mình sống trong vui vẻ và trường thọ. Đặc biệt Hoàng thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức), đã ngự trị ở cung này trong suốt 53 năm, khi mất bà hưởng thọ 92 tuổi.

Cung Diên Thọ
Cung Diên Thọ

Kiến trúc tổng thể cung Diên Thọ

Cung Diên Thọ là một tổ hợp kiến trúc được bố trí đăng đối với khoảng 20 công trình lớn nhỏ, vừa phong phú về loại hình (điện, lầu, tạ, các…), vừa đa dạng về phong cách kiến trúc, bởi chúng được xây dựng và cải tạo sửa sang trong những thời kỳ lịch sử khác nhau. Có thể nói, khu vực Diên Thọ cung là một tập hợp điển hình các phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Tất cả các công trình ấy nằm trong một khuôn viên hình chữ nhật với diện tích 17.506 m, xung quanh được bao bọc bởi một vòng tường thành bằng gạch cao 3m. Cổng chính phía Nam là cửa Thọ Chỉ, phía Đông là cửa Diên Khánh, phía Tây là cửa Địch Tường và phía Bắc là cửa Diễn Trạch

Chung quanh cung Diên Thọ có đào 4 cái giếng mang phong cách khác nhau để lấy nước sinh hoạt, khắp sân vườn trong cung còn trồng nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, khế, đào tiên cùng các loại cây kiểng… Hệ thống cây xanh nơi đây tạo nên một cảnh quan nhẹ nhàng, lãng mạn và thư thái. Đặc biệt, sự có mặt của hệ thống hành lang ở cung Diên Thọ có mái che lợp ngói nối thông tất cả các công trình chính trong cung, vừa tạo nên sự thống nhất bền vững, vừa tạo được vẻ mềm mại uyển chuyển của tổng thể kiến trúc trong khu vực cung.

Từ sau năm 1945, cung Diên Thọ bị xuống cấp, nhiều hiện vật bị hư hỏng và thất thoát. Trong những năm vừa qua, một số công trình trong cung đã được đầu tư trùng tu hoàn chỉnh theo đúng nguyên bản.

Các công trình bên trong cung Diên Thọ

1. Chính điện cung Diên Thọ

Là ngôi điện chính nằm ở vị trí trung tâm của cung Diên Thọ, đây là nơi ở chính của các bà Hoàng thái hậu, được xây theo “kiểu trùng thiềm điệp ốc”, một hình thức rất phổ biến trong kiến trúc cung đình Huế.

Chính điện xoay về hướng Đông Nam, tiền điện kết cấu 5 gian 2 chái kép với bộ vì nóc kiểu giả thủ rất đẹp. Nhà chính điện gồm 7 gian 2 chái đơn với bộ vì nóc kiểu giao nguyên trụ đội được che kín bằng rầm thượng (trấn). Nối giữa tiền điện và chính điện là trần vỏ cua được chạm trổ rất tinh xảo. Nền điện lát gạch hoa, mặt trước và hai bên hệ thống cửa ra vào được lắp gương trắng để lấy ánh sáng và tạo sự thông thoáng. Phía trên gian giữa của chính điện đặt bức hoành phi sơn son, thếp vàng khắc nổi 3 chữ “Diên Thọ Cung”. Trung tâm tòa điện đặt các bộ bàn ghế để Hoàng thái hậu tiếp khách. Hai gian hai bên được ngăn riêng thành buồng kín làm nơi nghỉ ngơi.
Trên các cột treo các bức tranh gương tả phong cảnh đẹp của Kinh đô và miêu tả thời tiết. Chất liệu để vẽ loại tranh này là bột màu pha keo vào mặt sau của gương theo kiểu âm bản để nhìn mặt trước thành dương bản. Đây là loại hình mỹ thuật mang bản sắc riêng của triều Nguyễn. Dưới các bức tranh là các câu đối mang nội dung ca ngợi, chúc tụng công đức của các Hoàng thái hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ.

Mái điện có hai tầng lợp ngói Hoàng lưu ly, trên các bờ nóc, bờ quyết trang trí hình tượng chim phượng hoàng được đắp nổi bằng sành sử duyên dáng và sinh động, chim phượng hoàng thể hiện sự cao quý của người phụ nữ quý tộc. Giữa hai tầng mái là cổ diêm với những ô hộc trang trí đề tài hoa lá màu sắc sặc sỡ.

Hiện nay trong nội thất chính điện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý, đó là những vật dụng sinh hoạt cá nhân như khăn vấn tóc, gương soi…Hay những dụng cụ để làm các loại bánh, mứt truyền thống của Huế… Thông qua các hiện vật này phần nào giúp cho chúng ta có một cái nhìn tổng quan về đời sống sinh hoạt đời thường của các bà trong cung.

Cung Diên Thọ
Bên trong chính điện cung Diên Thọ

2. Tịnh Minh lâu

Lầu Tịnh Minh là công trình nằm ở phía Tây Nam chính điện Diên Thọ, tọa lạc trên nền cũ của nhà hát Thông Minh Đường, một nhà hát cung đình khá đặc biệt, nơi tổ chức các buổi diễn tuồng và ca vũ nhạc truyền thống để phục vụ các bà Hoàng thái hậu. Năm 1927, vua Bảo Đại cho triệt giải nhà hát này để dựng tòa lầu Tịnh Minh.

Lầu Tịnh Minh kết cấu 2 tầng kiến trúc của tòa lầu là sự kết hợp khéo léo giữa kiến trúc cung đình Huế và kỹ thuật xây dựng theo phong cách mới của phương Tây, phù hợp với khí hậu và văn hóa bản địa, tạo nên một tổng thể cân đối, hài hòa và có giá trị nghệ thuật cao.

Tầng một bố cục hai tiền sảnh đối xứng trước và sau với kích thước, hình dáng cũng như các kiểu thức trang trí hoàn toàn giống nhau. Bốn mặt của cả hai tầng mỗi mặt đều trổ ba cửa lớn ra vào, hệ thống cửa gồm hai lớp trong kính ngoài mở theo kiến trúc của Pháp, tạo nên sự thông thoáng cho công trình. Phần móng tòa nhà được ốp đá trang trí theo hình lăng trụ, cao 90cm để chống ẩm. Tất cả góp phần tạo cho tòa nhà luôn thích ứng được với khí hậu nhiệt đới gió mùa. Hệ thống trụ trang trí đề tài hoa lá, cảnh vật phong phú. Trên các bờ nóc, bờ quyết, diềm mái, đầu hồi… đều được trang trí hình tượng chim phượng hoàng, hoa lá, bát bửu, chữ Thọ đắp nổi bằng xi măng khảm sành sứ rất tinh xảo.

Kiến trúc của lầu Tịnh Minh góp phần làm sinh động thêm cho bức tranh toàn cảnh của Hoàng thành và làm phong phú thêm cho nghệ thuật xây dựng của triều Nguyễn.

Cung Diên Thọ
Tịnh Minh Lâu

3. Khương Ninh các

Do quy chế của triều đình Nguyễn, việc ra vào cung của phụ nữ trong hoàng gia được quản lý rất nghiêm ngặt. Để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của các bà trong nội cung, năm 1831, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Khương Ninh Các làm nơi thờ Phật, thờ các vị thần thánh nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của các bà.

Cung Diên Thọ
Khương Ninh các

Khương Ninh Các nằm ở phía Tây Bắc của Diên Thọ chính điện, là một tòa kiến trúc hai tầng bằng gỗ, nằm quay mặt về hướng Tây Nam. Tầng trên có 5 gian, vì nóc kiểu giao nguyên kiêm trụ đội. Tầng dưới ngoài 5 gian chính, còn có một hệ thống chái chạy quanh 4 mặt…

Khương Ninh Các có kết cấu 2 tầng, tầng một gian giữa là bàn thờ hội đồng. Lối đi lên tầng hai có cầu thang gỗ, phía trước gian chính giữa của tầng hai là bàn thờ đặt ba pho tượng Tam Thế Phật, phía trên treo bức hoành phi “Khương Ninh Các”. Hai bên là bàn thờ Quan Công, Ngọc Hoàng thượng đế, các vị Hộ pháp. Phía sau tầng hai, bàn thờ ở giữa thờ tranh và bài vị của Thánh Mẫu Thiên Y A Na, phía trên có bức hoành phi “Phước Thọ Am”. Bàn thờ bên trái thờ bài vị các Công chúa Mỹ Tường, Diên Phúc, là chị và cô của vua Gia Long, bàn thờ bên phải thờ Tổ sư nghề hát bội. Ở hai góc Tây Nam và Tây Bắc của tòa nhà còn thiết kế lầu chuông và lầu trống.

Cung Diên Thọ
Bên trong Khương Ninh các

4. Trường Du tạ

Trường Du tạ nằm phía Đông của điện chính Diên Thọ, là nơi để các bà Hoàng thái hậu đến để dạo chơi hóng mát, hưởng thú tiêu dao. Đây là một tòa thủy tạ bằng gỗ xinh xắn được dựng một nửa trên bờ, một nửa tiếp với một cái hồ hình chữ nhật. Trường Du tạ được xây dựng năm 1849, kiến trúc theo lối “phương đình” và có hành lang bao quanh 3 mặt.

Tạ xoay mặt về hướng Tây Bắc. Hình thức tuy đơn giản, nhưng được trang trí bằng những mảng chạm trổ rất tinh xảo. Năm 1917, dưới thời vua Khải Định, có xây thêm một đình Lương Phong nằm ở phía trước, có chức năng như một tiền sảnh, từ đình Lương Phong xây cầu nhỏ nối qua hai đảo giả đặt giữa hồ, tạo như một tiên đảo.

Trường Du tạ là công trình hài hòa với cảnh quan, hình thức trang trí giàu tính nghệ thuật, là một trong bốn nhà tạ cổ xưa còn lại của Kinh thành Huế.

Cung Diên Thọ
Trường Du tạ

5. Điện Thọ Ninh

Điện Thọ Ninh nằm ở phía Bắc của chính điện Diên Thọ, hai tòa điện này được nối nhau bằng hệ thống hành lang ngắn ở phía đông và phía tây, tạo một khoảng sân vườn rộng ở giữa thông thoáng và mát mẻ. Điện Thọ Ninh có quy mô nhỏ và kiến trúc đơn giản. Ở hai bên phía sau điện Thọ Ninh là nhà bếp, nhà kho, nhà Thái giám và nhà cung nữ ở (hiện nay chỉ còn nền móng của công trình).

6. Nhà Tả Trà

Nhà Tả Trà nằm ở phía Đông Nam của chính điện Diên Thọ, là nơi dành cho quan khách nghỉ chân để chờ trước khi được Hoàng thái hậu tiếp kiến. Công trình này được xây dựng vào năm 1804, có kết cấu 3 gian 2 chái bằng gạch và gỗ, mái lợp ngói liệt có độ dốc cao. Năm 1917, dưới thời vua Khải Định, nhà Tả Trà được cải tạo bằng bê tông cốt thép, được thiết kế nhiều cửa ra vào, cũng như nhiều cửa sổ để đón ánh sáng và tạo sự thông thoáng. Tuy nhiên, trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết và tàn phá của chiến tranh, nhà Tả Trà chỉ còn nền móng và một số cấu kiện của bộ khung nhà.

Năm 2014 nhà Tả Trà đã được trùng tu, phục hồi. Lần trùng tu này có ý nghĩa to lớn để công trình được trở lại nguyên bản, từng bước phục hồi hoàn chỉnh cảnh quan cũng như các công trình kiến trúc của cung Diên Thọ nói riêng và Đại Nội nói chung, góp phần gìn giữ cung Diên Thọ và bảo tồn các giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế. Hiện nay trong nội thất nhà Tả Trà trưng bày một số hiện vật như sập, bàn, tủ gỗ khảm cẩn xà cừ, bộ bàn ghế sơn son, thếp vàng theo phong cách của thời vua Khải Định và phiên bản những bức tranh gương.

Trong số các hiện vật trưng bày ở nhà Tả Trà, có hai hiện vật rất đặc biệt là chiếc kiệu của bà Hoàng thái hậu Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) và chiếc xe kéo của bà Hoàng thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái). Xe kéo này do vua Thành Thái mua tặng cho mẹ để bà dạo chơi trong cung. Sau hơn 100 năm lưu lạc, tháng 06 năm 2014 chiếc xe đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cổ đô Huế đấu giá thành công tại Pháp với tổng giá trị khi về đến Huế là 55.800 Euro. Việc đấu giá thành công và trưng bày chiếc xe kéo tại đây mang một ý nghĩa rất lớn khi lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật quý giá về lại quê hương.

Thông tin du lịch cung Diên Thọ

Cung Diên Thọ cũng là điểm đến tham quan luôn có trong tuyến tham quan Đại Nội Huế. Thông thường sau khi tham quan xong Thế Miếu, đoàn sẽ đến tham quan cung Diên Thọ và sau đó là cung Trường Sanh.

>>> Xem thêm: Các công trình bên trong Đại Nội Huế

Nguồn: THUYẾT MINH CÁC ĐIỂM THAM QUAN THỪA THIÊN HUẾ – SỞ DU LỊCH THỪA THIÊN HUẾ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *