Bên trong Đại Nội Huế có 5 miếu thờ vô cùng quan trọng với hoàng gia triều Nguyễn. Và ngày nay cũng là điểm đến tham quan du lịch chính khi mua vé vào tham quan Đại Nội Huế. Bài viết này sẽ tìm hiểu hai trong năm miều thờ. Chính là Hưng Miếu là nơi thờ chúa Nguyễn Phúc Luân, thân sinh của vua Gia Long và Thế Miếu là nơi thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế.
Hưng Miếu (Hưng Tổ Miếu)
Thông tin
Hưng Miếu là nơi thờ chúa Nguyễn Phúc Luân, thân sinh của vua Gia Long. Hưng Miếu được dựng từ năm Gia Long thứ ba (1804) ở góc Tây Nam trong Hoàng Thành. Tức tại vị trí Thế Miếu ngày nay với tên gọi là Hoàng Khảo Miếu. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), Hoàng Khảo Miếu được dời lùi về phía Bắc chừng 50m để lấy chỗ dựng Thế Miếu và đổi tên thành Hưng Tổ Miếu.
Kiến trúc và lịch sử tu sữa
Hưng Miếu quay mặt về hướng Nam, xung quanh có xây tường bao bọc và hệ thống cửa ra vào. Miếu được xây theo lối “nhà kép”, chính đường 3 gian 2 chái kép, tiền đường 5 gian 2 chái đơn. Bên trong đặt khám thờ bài vị của Hưng Tổ Hiếu Khang Hoàng đế và Hoàng hậu. Lễ tế ở Hưng Miếu mỗi năm tổ chức 5 lần giống như ở Thái Miếu và Thế Miếu.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tháng 02/1947, Hưng Miếu đã bị đốt cháy hoàn toàn. Năm 1951, bà Từ Cung và con là Quốc trưởng Bảo Đại đã thương lượng với hậu duệ của An Khánh Vương và mua lại phủ thờ của ông hoàng ấy từ Kim Long đưa về cải tạo và dựng lại trên nền cũ của Hưng Miếu để tiếp tục thờ chúa Nguyễn Phúc Luân và vợ. Năm 1995 tòa nhà này lại được tu bổ thêm một lần nữa. Trong lần tu bổ này, miếu được sơn son, thếp vàng.
Thế Miếu (Thế Tổ Miếu)
Thông tin chung Thế Miều
Các vị vua nhà Nguyễn sử dụng hệ tư tưởng Nho giáo để cai trị đất nước, hệ tư tưởng này đã ảnh hưởng đến cả thể chế và kiến trúc xây dựng trên các công trình. Khác với triều đình phong kiến Trung Hoa, nhà Nguyễn đã cho xây dựng trong Hoàng Thành 5 ngôi miếu thờ: Triệu Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu và điện Phụng Tiên. Đồng thời hàng năm đặt ra nhiều lễ để thờ cúng. Công việc thờ cúng được sắp đặt một cách quy củ và theo trình tự (Đại tự, Trung tự và Quần tự). Trong đó, Thế Tổ Miếu được đưa vào hàng đại tự, đây cũng là khu vực thờ tự còn khá nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn.
Thế Tổ Miếu được xây dựng từ năm 1821 – 1823, dưới thời vua Minh Mạng để thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long) và danh xưng Thế Tổ Miếu được đặt theo miếu hiệu này. Về sau, để thờ các vị vua của triều Nguyễn sau khi họ băng hà. Trải qua nhiều biến cố lịch sử và nhiều lần tu bổ, sửa chữa, Thế Tổ Miếu vẫn giữ nguyên kiểu kiến trúc ban đầu.
Kiến trúc xây dựng
Về kiến trúc Thế Tổ Miếu được thiết kế theo lối kiến trúc “trùng lương trùng thiềm”, gồm hai bộ mái với hai bộ kèo được nối với nhau bằng “trần thừa lưu (còn gọi là trần vỏ cua), tạo thành một không gian nội thất chung, rộng rãi và thâm nghiêm. Nhà chính có 9 gian và 2 chái kép, nhà trước có 11 gian và 2 chái đơn nối liền nhau bằng vì vỏ cua chạm trổ rất tinh xảo. Phần mái ngói của Thế Miếu được lợp ngói hoàng lưu ly, trên đỉnh nóc gắn thái cực bằng pháp lam màu sắc rực rỡ.
Thế Tổ Miếu là công trình được trang trí nhiều ô thi họa nhất, có đến 676 ô thơ nằm trên các liên ba, đố bản, cổ diềm. Mỗi ô thơ đều chạm rất công phu bằng kỹ thuật chạm âm nền xuống để nổi bật chữ lên, tất cả đều được sơn son thếp vàng, trở thành một bức thư pháp rực rỡ và độc đáo vô cùng. Nội dung các ô thơ ở đây chủ yếu ngợi ca công đức của vua Gia Long tán tụng công lao khôi phục cơ đồ, khai sáng triều đại, mở mang bờ cõi… Bên cạnh đó, lồng vào những tư tưởng sử dụng trong việc cai trị nước, chủ yếu dựa trên nền tảng Nho học: tu thân, tề gia, trị quốc…
Cách bố trí thờ tự bên trong Thế Miếu
Ở mỗi gian được sắp xếp: ngoài cùng là án thờ, tiếp đến là bàn thờ, sập thờ và trong cùng là khám thờ. Án thờ vua Gia Long và hai Hoàng hậu đặt ở gian chính giữa, các án thờ của những vị vua còn lại được đặt ở hai bên theo nguyên tắc “tả chiêu, hữu mục” để sắp đặt. Theo gia pháp của họ Nguyễn, các vị vua bị “phế đế”, “xuất để” thì không được thờ trong tòa miếu này. Vì vậy trước năm 1958, bên trong Thế Tổ Miếu chỉ có 7 án thờ của các vị vua dưới đây:
- Án thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vua Gia Long) và hai Hoàng hậu Thừa Thiên, Thuận Thiên (gian chính giữa).
- Án thờ Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế (vua Minh Mạng) và Hoàng hậu ở gian gian thứ nhất bên trái (tính từ gian giữa).
- Án thờ Hiến Tổ Chương Hoàng Đế (vua Thiệu Trị) và Hoàng hậu ở gian thứ nhất bên phải (tính từ gian giữa).
- Án thờ Dực Tông Anh Hoàng Đế (vua Tự Đức) và Hoàng hậu ở gian thứ hai bên trái (tính từ gian giữa)
- Án thờ Giản Tông Nghị Hoàng Đế (vua Kiến Phúc) ở gian thứ hai bên phải (tính từ gian giữa).
- Án thờ Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế (vua Đồng Khánh) và Hoàng hậu ở gian thứ ba bên trái (tính từ gian giữa).
- Án thờ Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế (vua Khải Định) và Hoàng hậu ở gian thứ ba bên phải (tính từ gian giữa).
Đến tháng 10/1958, ba vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đã được con cháu trong hội đồng Nguyễn Phúc Tộc đưa vào thờ trong miếu, được sắp đặt như sau:
- Án thờ vua Hàm Nghi được đặt ở gian thứ tư bên trái (tính từ gian giữa).
- Án thờ vua Thành Thái đặt ở gian thứ năm bên trái (tính từ gian giữa)
- Án thờ vua Duy Tân đặt ở gian thứ tư bên phải (tính từ gian giữa).
Trong 13 đời vua nhà Nguyễn, có 3 vị vua: Dục Đức, Hiệp Hòa và Bảo Đại không được thờ tự trong miếu này.
Ở phía trước Thế Miếu là một khoảng sân rộng, hai bên có đôi Kỳ Lân bằng đồng đứng uy nghiêm trong thiết đình. Đặc biệt ở góc cửa phía Tây của Thế Miếu có một cây thông cổ thụ, hình dáng uốn lượn rất đẹp, tương truyền được trồng từ khi xây miếu. Trong khuôn viên của Hưng Miếu và Thế Miếu có nhà Thần Trù (nhà bếp), Thần Khố (nhà kho) nằm song song với hai tòa miếu.
Thông tin du lịch Hưng Miếu và Thế Miếu
Thế Miếu, Hưng Miếu là điểm đến chính khi tham quan Đại Nội Huế. Tuyến du lịch trong Đại Nội thường sẽ bắt đầu ở Ngọ Môn, sau đó sẽ tham quan Hiển Lâm Các. Phía sau Hiển Lâm Các chính là Thế Miếu, sau lưng Thế Miếu là Hưng Miếu.
Với các du khách đến Huế, chủ yếu vẫn dừng chân tham quan Thế Miếu. Phía trước sân Thế Miếu còn có thêm Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh đồng lớn, nặng vài tấn, là bảo vật quốc gia hiện nay, cũng được nhiều du khách quan tâm tìm hiểu.
Khi vào bên trong Thế Miếu, lưu ý để giày dép bên ngoài, bỏ mũ nón xuống, không quay phim, chụp hình.
Với du khách yêu thích tìm hiểu lịch sử, có thể ghé vào tham quan Hưng Miếu, nằm phía sau Thế Miếu.
Sau khi tham quan hết khu vực này, du khách sẽ ghé tham quan Điện Phụng Tiên, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh.
Một thông tin thú vị mà bài viết trên chưa đề cập, Thế Miếu được xem là ngôi công miếu, chỉ nam giới mới được vào. Nữ giới không được đặt chân đến đây dù họ là ai. Do đó, nhà Nguyễn còn xây thêm một miếu thờ để dành cho Hoàng gia, gọi là điện Phụng Tiên. Vào các dịp kỵ giỗ các vua, triều Đình sẽ tổ chức lễ ở cả 2 miếu này. Hoàng gia (kể cả nữ giới) sẽ tham gia ở điện Phụng Tiên.
Kết luận: Cố đô Huế đã cung cấp cho bạn đọc các lịch sử thú vị về hai ngôi miếu thờ quan trọng bậc nhất trong triều đại nhà Nguyễn thời quá khứ. Nếu có dịp mua vé tham quan Đại Nội Huế hãy nhớ ghé thăm các ngôi miếu này. Và thắp một nén nhang để tỏ lòng cảm ơn, thương nhớ các vị vua sáng lập đất nước.